Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Về quê Giỗ Tổ (10/03/2019)

Hà Nội hôm nay không có nắng. Hai bên đường Kim Mã cây cối các loại đan xen nhau. Cây thì lá còn xanh nguyên, cây thì lá đổi từ mầu xanh sang mầu vàng đỏ, cây thì rụng hết lá chỉ còn chơ những cành, mùa cây thay lá mà, năm nào chẳng thế. Trong lúc chờ xe buýt, hắn mới có dịp ngắm kỹ hơn, à, có những cây bằng lăng đã đâm chồi nảy lộc, mùa xuân đến thật rồi. Những cây ban Tây Bắc, lá xanh có, lá vàng có nhưng đang ra hoa, người ta gọi là hoa ban đỏ, nhưng hắn thấy có  cả những hoa ban hồng…

Đây rồi cầu Chương dương, sông Hồng, sắp tới cầu Đuống rồi, lại qua sông Đuống. Hắn lại gật gù, ừ nhỉ, mình qua sông Đuống chứ mình có ở “Bên kia sông Đuống” đâu, hắn lại lẩm nhẩm:” Em ơi! Buồn làm chi, anh đưa em về bên kia sông Đuống. Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ. Sông Đuống trôi đi. Một dòng lấp loáng…”. Qua Đình Bảng, bây giờ đã lên phường, còn xưa xưa làng này gọi là làng Báng. Dân vùng này vẫn truyền nhau câu “sấm”:

“Bao giờ rừng Báng hết cây

Tào Khê hết nước Lý nay lại về”

Chẳng biết có linh nghiệm đến mức nào, nhưng hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường đã từ Nam Hàn về tìm lại quê cha đất tổ là chuyện có thật.

Trung tâm của thị xã Từ Sơn đây rồi, nhà cửa san sát, xe cộ tấp nập tuy là ngày chủ nhật. Hắn nhớ lắm, hồì trước chỉ là dãy phố nhỏ, dài chưa đến cây số, hắn nhớ bởi hồi học cấp 3 ở Đình Bảng không có ngày nào là hắn không cuốc bộ qua đây (tất nhiên là trừ ngày chủ nhật).

Xuống bến cuối xe buýt của thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) hắn bắt taxi về làng. Từ Tết đến giờ hắn mới lại về quê, hôm nay trời se se lạnh. Cậu lái xe taxi hỏi ông về đâu, hắn bảo cho tôi về Tam Sơn.

Chưa đầy 10 phút sau xe đã về tới làng, hắn bảo:

- Thôi cậu cho dừng xe ở đây là được rồi để cậu quay xe cho dễ, vào xóm đường khó đi, tôi không muốn làm phiền cậu, cảm ơn cậu nhé, chúc may mắn.

Hắn đi bộ, tay xách túi quà, về quê thăm mẹ mà lại.

Hắn chào mẹ, chưa nói hết câu thì mẹ hắn đã bảo:

- V đã về đấy hả con?

- Vâng ạ, con về thăm bà, với lại hôm nay còn có việc họ (giỗ tổ).

Thấy mẹ vẫn bình thường, hắn thắp hương khấn cụ, hỏi han và trò chuyện với mẹ một lúc, hắn xin phép bà  lên nhà thờ họ. Thôn quê bây giờ khác xưa lắm, phố trong làng mà. Hắn thấy ngày trước nhà nào cũng có một cái sân để phơi thóc, nhưng bây giờ số nhà còn có sân gạch mỗi ngày một ít đi, có lẽ do chương trình “nông thôn mới”, bê tông hết, sân không còn nên người ta mang thóc ra ngoài đường để phơi, biến đường thành sân phơi, hắn lầu bầu một mình: nông thôn mới là thế này ư? À mà người ta vẫn nói “ĐIỆN,  ĐƯỜNG, TRƯỜNG, TRẠM”, quê hắn có thừa là đằng khác.

Việc họ năm nay đông vui hơn vì nhà thờ đã xây mới, hoành phi câu đối sáng choang, các chi ở Bắc Giang năm nay về giỗ tổ cũng đông. Chỉ riêng chuyện giới thiệu và giải thích chi trên chi dưới, cành trên cành dưới, vai trên vai dưới cho nhau cũng đủ lâu rồi. Văn tế, hương khói, họp họ, khen thưởng cho các cháu học sinh giỏi được tiến hành trang trọng. Trước đó đã có một đoàn đi thắp hương tảo mộ cụ tổ ông và cụ tổ bà rồi. Năm nay mời thêm nhóm hát quan họ, mấy ông mấy bà cũng cầm lấy mi cờ rô say sưa, náo nhiệt thật. Giỗ tổ thì sao thiếu được cỗ! Cỗ giỗ cũng  chẳng khác gì cỗ cưới ở quê, có đủ các món, rượu thì sao mà thiếu được. Bọn thanh niên đi các mâm chúc rượu, nâng lên hạ xuống, “uống rượu bắt tay” đã thành cái lệ. Các mâm của các bà thì yên lặng hơn. Trong khi mọi người chén chú chén bác thì các liền anh liền chị vẫn  cất tiếng hát được phóng thanh cả xóm cùng nghe, nào là Sông Cầu nước chảy lơ thơ, Vào chùa, Khách đến chơi nhà,..xen vào mấy bài tân nhạc như Làng Quan họ quê tôi…

Đã hơn 2 giờ chiều, hắn phải đi rồi, có việc đang chờ ở ngoài Hà Nội. Hắn bắt tay tạm biệt mọi người, quay lại nhà chào mẹ, thắp nén nhang trên ban thờ rồi đi ra cổng.

Thằng cháu họ đèo xe máy cho hắn ra bến xe buýt. Hai chú cháu vừa đi vừa nói chuyện :

- Ông về quê ở đi, thiếu gì việc, đánh cờ suốt ngày cũng được mà?

Hắn ậm ừ, mẹ ở nhà, lúc nào mà hắn chẳng lo, chẳng muốn về, nhưng hắn vẫn còn nhiều việc dở dang, rồi có lúc phải tính đến chuyện về  quê ở thật. Có phải ai cũng có quê mà về đâu. Thôi thì để tính về quê ở lúc nào thì hợp.

Trời Hà Nội đã hửng, hắn xuống xe buýt và lững thững cuốc bộ về nhà, trời không mưa.

Hà Nội, ngày 10.3.2019

NKV

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này