Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Những kỷ niệm còn mãi... (25/11/2020)

Với GS, TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển, tình yêu với nước Nga, với Liên bang Xô viết bắt đầu từ tấm bé khi bà được đọc và say mê văn học Liên Xô, rồi lớn dần lên khi bà sang học nghiên cứu sinh. Đến bây giờ, tình yêu ấy vẫn vẹn nguyên...

GS, TS Lê Thị Quý (sinh năm 1950, nguyên quán Bắc Ninh) là nhà xã hội học và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giới. Năm 2005, bà nằm trong số 1.000 phụ nữ trên thế giới được đề cử cho giải Nobel Hòa bình. Năm 2010, bà được công nhận chức danh giáo sư, trở thành nữ giáo sư đầu tiên về xã hội học ở Việt Nam. Bà cũng là tác giả của 14 cuốn sách cá nhân và 54 cuốn in chung, 106 bài tạp chí in trong nước và nước ngoài, cùng nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác.

Cuộc đời của GS, TS Lê Thị Quý gắn với nhiều giai đoạn học tập, làm việc tại nước ngoài, nhưng với bà, thời kỳ học tập tại Liên Xô là dài nhất và để lại trong bà những kỷ niệm sâu đậm cũng như những trăn trở không nguôi.

Từ bé, GS, TS Lê Thị Quý đã được tiếp xúc với văn học Liên Xô và những bộ phim về xứ sở bạch dương. Điều này đã góp phần nuôi dưỡng trong bà tình yêu đối với một dân tộc có lịch sử dữ dội và oai hùng. Năm 1972, tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, bà trở thành phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam cho đến năm 1975. Khi hòa bình lập lại, bà thuộc nhóm cán bộ khoa học xã hội đầu tiên từ miền Bắc vào miền Nam để truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin. Bà làm việc tại Ban Lịch sử thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội, thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

GS, TS Lê Thị Quý (ngồi đầu tiên bên phải) tại buổi lễ bảo vệ luận án tiến sĩ ở Liên Xô. Ảnh do nhân vật cung cấp

Mãi tới năm 1980 cơ duyên mới đưa bà tới với đất nước mà bà ngưỡng mộ từ hồi bé. Sau khi viết xong cuốn sách đầu tay “Nghiệp đoàn và Phong trào công nhân miền Nam Việt Nam” (thời kỳ 1954-1975), bà được cử ra Hà Nội đi thi để sang Liên Xô học tiến sĩ và đỗ ngay ở lần thi đầu tiên. Thật khó để nói hết được niềm vui của bà khi đó. Gác lại công việc gia đình, bà cố gắng tận dụng mọi thời gian để học tiếng Nga trong một năm dự bị tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

 Tháng 9-1984, bà bắt đầu hành trình 4 năm học tập, nghiên cứu tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và cùng trải qua những năm tháng đầy khó khăn, biến động của Liên Xô thời kỳ đó.

 GS, TS Lê Thị Quý nhớ lại, lúc mới sang, bên cạnh sự hứng thú với phong cảnh rộng lớn và tươi đẹp của Liên Xô, cái mà bà cảm thấy ấn tượng hơn cả là mối quan hệ giữa con người với con người nơi đây. “Một xã hội yên bình, đề cao đạo đức, nơi con người đối xử với nhau một cách nhân hậu, tôn trọng và không toan tính. Đó chính là vẻ đẹp mà tôi cảm nhận được ở đất nước này. Có rất nhiều chuyện bây giờ nhớ lại tôi vẫn thấy ấm áp. Mặc dù khi đó, Liên Xô bắt đầu đi vào khủng hoảng, nhưng tình cảm của người dân đối với sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam vẫn vô cùng tốt đẹp”-GS, TS Lê Thị Quý bồi hồi kể.

 Khi đó bà đã 34 tuổi, mới bắt đầu chặng đường nghiên cứu sinh tại xứ sở bạch dương. Người thầy được phân công hướng dẫn bà lúc ấy là thầy Budanov, một nhà nghiên cứu lịch sử kỳ cựu của Viện Phương đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, người đã sang Việt Nam nhiều lần và nói tiếng Việt rất giỏi. Khi vừa đến nhận trường, nhận ký túc xá, bà được thầy chở đi một vòng Moscow để tìm hiểu thành phố. Đến bây giờ, bà vẫn nhớ mãi câu nói của thầy lúc đó: “Liên Xô lạnh lắm. Thầy sẽ mua cho em một đôi giày ấm”.

Câu nói đơn giản nhưng chứa đựng biết bao sự quan tâm của người thầy ngay từ khi mới gặp đã sưởi ấm trái tim cô học trò Việt Nam. “Tôi đã vô cùng ngạc nhiên và xúc động. Tôi chưa từng nghĩ thầy lại có thể quan tâm đến việc học trò đã có giày ấm khi mùa đông sắp đến hay chưa. Khi tôi tỏ ý không dám nhận, thầy lại nói: "Không sao cả, vì thầy là thầy giáo và thầy sẽ hướng dẫn em trong 4 năm tới”-GS, TS Lê Thị Quý nhớ lại.

Tuy nhiên, cuộc sống đầy những bất ngờ khó lường trước được. Hai tuần sau đó, thầy Budanov đột ngột qua đời. Điều này trở thành một cú sốc rất lớn đối với Lê Thị Quý. Thế nhưng, mỗi lần nghĩ về thầy, cô học trò Việt Nam lại tự nhủ phải tiếp tục cố gắng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, để không phụ sự quan tâm, kỳ vọng của người thầy đã mất.

Sau cú sốc, Lê Thị Quý bắt đầu bước vào chương trình học tiếng Nga tại trường ngoại ngữ. Đối với đa phần các nghiên cứu sinh nước ngoài, tiếng Nga là một ngôn ngữ thú vị nhưng rất khó học. Riêng với Quý, năm đầu tiên học tiếng Nga lại là một trải nghiệm thật tuyệt vời. Các cô giáo Liên Xô thương sinh viên Việt Nam như con đẻ. Các cô thường mang bánh ngọt hoặc hoa quả đến cho sinh viên.

“Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in gương mặt từng cô giáo, nhất là cô giáo trực tiếp dạy lớp tôi. Lớp học khi đó có hai nghiên cứu sinh nam người nước ngoài tới từ Nepal và Cuba, cùng hai phụ nữ là tôi và một cô bạn học trường sư phạm. Cô giáo dạy tiếng Nga rất giỏi và yêu thương các sinh viên của mình. Cô thường xuyên gần gũi, chia sẻ, tâm sự với học trò chuyện gia đình, cuộc sống. Chúng tôi được biết cô bị ung thư phổi. Dù còn rất ít thời gian nhưng cô vẫn cố gắng truyền thụ cho chúng tôi những kiến thức quý báu của mình”, GS, TS Lê Thị Quý ngồi lặng hồi lâu khi nhớ về những thầy, cô giáo mà bà vô cùng tôn trọng, quý mến.

Sau này khi kết thúc khóa học, bà đã tập hợp những câu chuyện vui của sinh viên Việt Nam trong chuyện học tiếng Nga để dựng một vở kịch trong lễ tổng kết. Những câu chuyện hài hước, lém lỉnh đó đã khiến các thầy, cô giáo Liên Xô liên tục lau nước mắt vì cười. Tình cảm thầy trò ngày càng thân thiết.

Nhờ sự dạy dỗ tận tình của các thầy, cô giáo, trình độ tiếng Nga của Lê Thị Quý tăng lên rõ rệt, đủ để bà có thể đọc được tài liệu nghiên cứu và dịch nghiên cứu của mình sang tiếng Nga, thậm chí còn làm phiên dịch cho những đoàn công tác từ Việt Nam sang.

 Sau khi kết thúc một năm học tiếng, Lê Thị Quý bắt đầu thực hiện luận án tiến sĩ của mình. Bà đã dịch cuốn sách về Nghiệp đoàn Sài Gòn ra tiếng Nga. Đây là một đề tài mới, gây ấn tượng và nhận được nhiều quan tâm của các giáo sư, tiến sĩ của học viện. 

Dù đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ, nhưng Lê Thị Quý vẫn tiếc nuối vì rào cản ngôn ngữ khiến nhiều vấn đề mà bà muốn trao đổi với đồng nghiệp khi đó chưa thực hiện được. Thời gian này, Liên Xô bị cuốn vào những khó khăn của thời kỳ khủng hoảng, cải tổ đất nước. Rồi Liên Xô tan rã. Đấy là nỗi đau lớn nhất không chỉ đối với người dân xứ sở bạch dương mà cả đối với các sinh viên Việt Nam như Lê Thị Quý. “Nếu không có khủng hoảng chính trị ở Liên Xô thì những kiến thức của mình đã được sử dụng nhiều hơn nữa”-GS, TS Lê Thị Quý trăn trở.

Một trăn trở nữa của GS, TS Lê Thị Quý đối với xứ sở bạch dương là bà chưa có dịp quay trở lại đất nước vĩ đại này. “Tôi nhớ mùa thu vàng ở Liên Xô. Nó đẹp như một bức tranh vậy, không chỉ lãng mạn mà còn dịu dàng, cao quý như tâm hồn những người Liên Xô tôi đã gặp. Những năm tháng ở Liên Xô, mặc dù tiếp xúc không nhiều với người dân bản xứ nhưng cũng đủ để tôi thấy được sự ấm áp của tình người nơi đây. Mỗi khi tôi mua đồ phải xách nặng đều có người sẵn sàng giúp đỡ, lên xe cũng luôn được nhường chỗ. Khi gặp vấn đề luôn được những người dân Liên Xô chính trực hỗ trợ”-GS, TS Lê Thị Quý xúc động nhớ lại.

GS, TS Lê Thị Quý cho biết, thời gian ở Liên Xô đã làm thay đổi cuộc sống của bà. Những kiến thức quý báu mà bà đã học được cùng tình yêu với các nước xã hội chủ nghĩa trở thành nền tảng cho ngòi bút của bà sau này.

Đến nay, mỗi khi tham dự hội thảo hay giảng dạy tại nước ngoài, bà thường nhắc về đất nước tươi đẹp mà mình đã theo học. Đôi lúc bà còn diễn thuyết bằng tiếng Nga tại một số hội thảo. Đối với GS, TS Lê Thị Quý, quãng thời gian học ở Liên Xô là một trong những niềm tự hào, nhớ mãi.

NHẬT THY (QĐND)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này