Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Tình cảm Nga hòa trong dòng máu Việt (19/11/2020)

"Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào/ Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu..." - giai điệu bài ca “Chiều Moscow” nhẹ vang lên trên chuyến xe chở đoàn Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” đi tri ân các anh hùng liệt sĩ trên đất Quảng Trị.

Quay sang bên, tôi bắt chuyện với bà Nguyễn Thị Tơ, nguyên Phó giám đốc Nhà in Tiến bộ, người đang ngâm nga ca khúc: “Bà thuộc bài hát này ạ?”. Nhìn tôi, bà mỉm cười: “Với tôi, Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay là quê hương thứ hai, là người mẹ hiền nâng niu từng bước chân, dạy tôi tri thức, ý thức sống và khát vọng cuộc sống”...

Yên bình mà hùng vĩ

“Điều tôi ấn tượng nhất là nước Nga mang một nét cổ xưa trầm mặc, yên bình nhưng hùng vĩ như một vĩ nhân thanh tao giữa cuộc sống đời thường. Mà điển hình cho điều đó là hình ảnh của đại văn hào của nhân loại Lev Tolstoy”, bà Tơ khẽ nói. Trong lần sang Nga gần đây nhất vào năm 2013, bà đã đến viếng thăm mộ Lev Tolstoy. “Chuyến đi này đã để lại trong tôi kỷ niệm sâu sắc”, bà Tơ trầm ngâm nhớ lại.

Đối với những ai yêu văn học thế giới, chắc hẳn không thể không biết đến tác phẩm kinh điển “Chiến tranh và hòa bình”, “Anna Karenina” của Lev Tolstoy. Tuy nhiên, trái ngược với sự hùng vĩ của các tác phẩm văn học thì cuộc đời của đại văn hào Lev Tolstoy lại quá đỗi khiêm nhường và bình dị, giống như nơi ông sinh ra và yên nghỉ. Đó là một điền trang thuần nông cổ kính Yasnaya Polyana, tỉnh Tula, cách thủ đô Moscow khoảng 200km về phía nam.

Nữ sinh Nguyễn Thị Tơ (bên trái) tại Liên Xô, năm 1972. Ảnh do nhân vật cung cấp

Con đường nhỏ dẫn vào điền trang của Lev Tolstoy trong tiết cuối thu rực rỡ. Lá vàng dường như không thể vàng hơn. Bầu trời xanh dường như không thể ở đâu xanh hơn. Nơi rừng cây Staryj Zakaz đang rải thảm vàng nâng bước du khách, ẩn hiện bóng hình cậu bé Lev Tolstoy cùng anh trai Nikolai đang mải mê đóng vai anh em nhà kiến, chơi trò đi tìm “chiếc que xanh” ở rìa khu rừng với ước mong: Nếu “tìm thấy “chiếc que xanh”, trên thế giới sẽ không còn chiến tranh, bệnh tật, và loài người sẽ sống vĩnh cửu.

“Tôi thật bất ngờ khi đứng trước mộ Lev Tolstoy. Một ngôi mộ thật nhỏ bé, khiêm nhường trong rừng cây. Cỏ trên mộ xanh ngắt, điểm xuyết bởi những chiếc lá phong, lá sồi vàng rực. Không một tấm bia mộ, không một bức ảnh, không một dòng chữ nào về tên tuổi, ngày sinh, ngày mất của nhà văn... Thế nhưng mỗi năm, hàng trăm nghìn người đã đến viếng thăm Lev Tolstoy, để được dâng những đài hoa tươi thắm và nghiêng mình trước một nhân cách bình dị mà vĩ đại trường tồn với thời gian”, bà Tơ kể.

Bằng giọng kể nhẹ nhàng mà ấm áp, bà hồi tưởng tiếp, “Sự bình yên ở điền trang Yasnaya Polyana gợi cho tôi những xúc cảm tuyệt vời của những ngày học tập ở thành phố Saint Petersburg vào năm 1970”. Thành phố Saint Petersburg có cảng biển lớn nhưng không xô bồ, lộn xộn mà yên ả lạ thường. Giống như một con người vĩ đại đang trong trạng thái tĩnh tâm, trầm mặc, đau đáu sự đời. Vào những dịp lễ hội, thành phố bỗng rạo rực khác lạ với sự sôi động của âm nhạc và điệu múa Nga quy tụ hàng nghìn người bên bờ sông Neva. Có lần không thể sang tham dự, chúng tôi ngậm ngùi đứng ở bờ sông bên này háo hức nhìn sang...

Tấm lòng cao đẹp

“Không phải ngẫu nhiên mà cảm nhận của chúng tôi về Saint Petersburg lại mang hình dáng một con người. Bởi những con người mà chúng tôi đã gặp ở nơi đây đều có dáng vẻ vĩ đại, cao thượng, nghiêm khắc nhưng bên trong lại chứa chan tình cảm ấm áp, yêu thương”, bà Tơ thoáng mỉm cười giải thích. “Họ luôn tôn trọng bạn và đặt mình vào vị trí ngang hàng với bạn. Họ luôn lắng nghe, luôn chia sẻ... nhưng không can thiệp sâu vào cuộc sống đời tư của bạn. Họ giúp đỡ bạn với tinh thần trong sáng và vô tư nhất bằng tất cả trách nhiệm và mong muốn bạn trưởng thành, cứng cáp và hoàn thiện bản thân hơn”, bà Tơ nhận định.

Bà Nguyễn Thị Tơ (ngoài cùng, bên phải) cùng các thành viên Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” trong hành trình tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: THỤC HÀ

Sinh ra và lớn lên ở Đông Anh, Hà Nội, năm 1970, bà Tơ được cử sang Liên Xô học. Tháng 8-1970, bà cùng các du học sinh xuất phát từ Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam), lên tàu đi qua Trung Quốc để đến Liên Xô.

Mỗi người Nga mà bà Tơ gặp gỡ đều mang đến cho bà một ấn tượng sâu sắc và một bài học về giá trị nhân văn của con người. Khi học ở Trường In-Phát hành Saint Petersburg, bà được xếp ở cùng phòng với hai học sinh khóa trên là Tanhia và Laydia. Việc xếp phòng như vậy sẽ tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sớm hòa nhập với cuộc sống ở Liên Xô và học tiếng Nga nhanh hơn. Tuy bà Tơ nhỏ tuổi nhất phòng nhưng các bạn Liên Xô chưa bao giờ có thái độ xa cách. Nhờ vậy, mỗi ngày trôi qua là một kỷ niệm đáng nhớ của tình bạn. Nhờ các bạn, bà Tơ tự tin hơn trong giao tiếp. Trong những năm học tập ở xứ sở bạch dương, bà Tơ cũng có nhiều kỷ niệm đẹp về các thầy cô giáo. Dù nghiêm khắc trong lớp học nhưng các thầy cô lại rất quan tâm đến cuộc sống của những sinh viên Việt Nam. “Tôi nhớ nhất kỷ niệm năm đầu tiên học ở trường. Đó là vào ngày giỗ bố tôi, bao nhiêu ký ức và tình cảm, hình ảnh người thân trong gia đình bỗng ùa về... Lúc ấy, chỉ một mình tôi ở trong phòng. Nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ quê hương, tôi ôm mặt khóc nức nở. Đúng lúc ấy, cô chủ nhiệm xuất hiện. Thấy tôi khóc, cô im lặng ôm chặt tôi. Chờ cho cơn xúc cảm qua đi, cô vẫn ôm tôi và hỏi chuyện. Trong vòng tay cô, tôi thấy vững vàng hơn, tự tin hơn để bước tiếp trên hành trình tìm kiếm tri thức ở trên đất nước bạn. Đất nước và con người xứ sở bạch dương đã gợi mở cho tôi nhiều giá trị của cuộc sống”, bà Tơ chia sẻ.

Năm 1975, bà Tơ tốt nghiệp và trở về Việt Nam. Ngày ấy, đất nước còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ ý chí, nghị lực cùng với tinh thần trách nhiệm với công việc và kiến thức nền vững chắc về chuyên môn kỹ thuật, bà đã cùng cán bộ, nhân viên Nhà in Tiến bộ vượt qua những thăng trầm trong nghề.

Hiện nay, ở tuổi "cổ lai hy", bà lại tiếp tục đồng hành với Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” đi tri ân khắp mọi miền Tổ quốc. Bà Trần Hồng Dung, Phó giám đốc quỹ cho biết: “Chị Tơ đã truyền lửa cho những thành viên Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” về tình yêu, trách nhiệm và tinh thần cống hiến vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy chị không phải là cựu chiến binh, nhưng chị mang một trái tim trong sáng, một ý chí không biết mệt mỏi, một thái độ tích cực, hòa đồng để là điểm tựa tinh thần cho các thành viên trong quỹ tiếp tục hành trình thiện nguyện, tri ân”.

NGHĨA THỤC - VIỆT HÀ (QĐND)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này