Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Ông kể cháu nghe – Kỳ 2 (07/05/2019)

Lần này ông kể cho cả V và D nghe, nhưng phải nhờ qua giọng đọc của mẹ N hay ba T rồi, đây là chuyện kỳ 2 nhé, lần trước là kỳ 1 rồi mà, phải thế không?

Kỳ 2: Từ chỗ suýt đội sổ trở thành lớp trưởng

Năm ông vào lớp 4*, lớp đông lắm, phải có tới 60 học sinh, học ở đền tây của Chùa Tam Sơn. Chùa Tam Sơn ở trên đỉnh núi, gọi là núi vì mọi người vẫn gọi như thế chứ gọi là đồi thì đúng hơn vì nó không cao lắm. Ở cửa chính của chùa gọi là đại điện, hai bên là tượng hai ông hộ pháp, ông Thiện và ông Ác. Tượng thì to, đẹp lắm, mỗi ông đều ngồi trên những con thú như hổ này, sư tử này. Ông Ác thì tay cầm một thanh đao to, mặt đỏ ửng, ông Thiện thì mặt trắng, tay đang giơ lên bắt quyết. Chính giữa là tượng phật tổ Thích ca Mâu ni, tượng phật nghìn mắt nghìn tay, tất cả đều được sơn son thếp vàng trông rất uy nghiêm và huyền bí. Bọn học sinh chúng ông thì nghịch như quỷ, chẳng biết sợ là gì, vẫn mải mê chơi chốn tìm sau những tượng phật ấy.

Hai bên đông tây là hai dãy nhà dùng làm lớp học, nhà phía đông thì gọi là đền đông còn nhà phía tây thì gọi là đền tây. Phía sau tam bảo chính điện là gác chuông, những cột gỗ lim to tướng, trên gác chuông có treo một cái chuông rất to, tiếng chuông vang đi xa lắm, cách mấy cây số vẫn nghe thấy tiếng chuông ngân vào những ngày lễ phật. Có một chiếc cầu thang bằng gỗ để lên gác chuông, ông và đám bạn học hay lên đó để ngắm nhìn phong cảnh làng quê nhưng không bao giờ dám đánh chuông vì sợ bị sư ông đuổi. Trước mặt tam bảo chính điện là sân chùa, hai bên là hai con rùa bằng đá thật đẹp, có cây hoa đại cổ thụ ra hoa quanh năm thơm ngát cả một khoảng sân trời và phía bên kia là cây muỗm già không biết đã bao nhiêu tuổi. Trước cổng chùa là cây bồ đề thân cây to tướng với tán lá rộng, mỗi khi gió nổi là những chiếc lá lại đập vào nhau như thể người ta đang vỗ tay.

Thôi, bây giờ ông sẽ kể về chuyện đi học của ông. Vì bé nên được ngồi bàn thứ ba, bàn có 5 người ngồi chung một chiếc ghế băng (ghế dài và hẹp, không có chỗ dựa đâu). Ông được xếp ngồi ở giữa. Ngồi gần bảng đen cũng tốt nhưng cũng “nguy hiểm” vì nếu có nói chuyện riêng hay mất trật tự thì thầy giáo nhìn thấy ngay và chắc chắn bị ăn phạt. Bàn của ông có mấy đứa bạn rất nghịch, luôn huých tay nhau làm chữ viết bị xiêu vẹo. Nếu có mách với thầy: thưa thầy, bạn ấy huých vào tay em làm em không viết được thì thầy cũng chỉ gõ thước yêu cầu trật tự, không ăn thua gì. Tệ hơn nữa là muốn ra ngoài thì bọn bên cạnh không cho ra, thế là phải dùng đến quả đấm. Thầy nhìn thấy và hạ bút cho ông ngay điểm 1 (điểm bét nhất trong thang điểm ở Việt Nam) vì mất trật tự không chịu nghe thầy giảng. Oan ức quá, nhưng nói thầy chẳng thèm nghe. Tháng ấy ông bị xơi luôn 4 con 1, và cái gì đến sẽ đến, tháng ấy ông xếp thứ 59 trong tổng số 60 học sinh, loại “đội sổ”** trong lớp. May mà mẹ ông không hề biết, nếu mà bà biết chắc chắn ông sẽ được “ăn cháo lươn” (tức là bị ăn đòn, ăn roi).

Ông tức lắm, chẳng nhẽ lại khóc? Không bao giờ. Thế là ông phải khôn khéo hơn, không đánh nhau trong giờ học nữa, giờ ra chơi thì chơi luôn cho nó sợ, kéo thêm mấy đứa lớn hơn về phía mình và đe dọa lại thằng ngồi cạnh hay gây sự ấy. May là ông thầy dạy lớp 4 cũng là hiệu trưởng nhà trường, thầy tên là Bút, gọi ông lại và giao cho ông làm lớp trưởng, lớp trưởng thật đấy nhé, thế là thằng ngồi bên cạnh phải gờm ngay, không dám gây sự trắng trợn như trước. Tuy bé nhưng là lớp trưởng, gọi từng hàng vào lớp, hàng nào không thẳng, không trật tự thì vào lớp sau cùng! Thầy tín nhiệm và ông nhảy từ áp chót đội sổ lên hàng nhất lớp, bọn bạn bắt đầu nể hơn, cuối năm còn được thưởng giấy khen, oai chưa?

Đây là bài học đầu tiên ông đã hiểu được một chút là phải chọn bạn tốt mà chơi cùng giúp nhau trong những lúc gặp khó khăn nào đó, ngoài ra cũng phải biết thể hiện khả năng của mình vào những lúc thích hợp nhất. Học chăm, hăng hái phát biểu ý kiến xây dựng bài trong lớp. Khi thầy hỏi câu khó mà không có bạn nào phát biểu là lúc ông giơ tay phát biểu và ông trả lời thấy thầy gật đầu là mình thấy tự tin hơn, phải cố gắng hơn và ông thấy mình làm thế là đúng.

Năm học kết thúc, ngày bế giảng đã tới, thầy hiệu trưởng bảo ông đọc bài thầy viết sẵn trước toàn trường, lần ấy tuy hơi run nhưng ông đã đọc đủ to, mạch lạc thay mặt học sinh toàn trường cảm ơn, tỏ lòng biết ơn các thầy cô và được các bạn vỗ tay hoan hô. Lớp 4 là lớp cuối cấp rồi, sắp tới sẽ thi vào cấp 2, chúng em sẽ hết sức cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của các thầy cô. Thế là ông được nghỉ hè, làm những việc mẹ ông giao, lúc rỗi thì làm diều và thả diều cùng với bọn bạn cùng tuổi trong xóm. Sắp tới sẽ thi vào trường cấp 2 đặt ở làng bên – làng Cẩm hay Cẩm Giang của xã Đồng Nguyên, cách nhà gần 2 km, đi học xa hơn, đi bộ đấy nhé,khó hơn, vất vả hơn, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ bị trượt, vì nếu bị trượt vào cấp 2 thì không biết mình sẽ làm gì và làm như thế nào vì vẫn còn quá bé để có thể đi cày ruộng được. Ông sẽ còn kể tiếp khi đi học cấp 2 vào những kỳ tới. Tak dobrou noc!

Ông giải thích thêm cho V và D biết nhé:

* Trước kia bậc phổ thông 10 năm được chia làm 3 cấp: cấp 1 từ lớp 1- 4, cấp 2 từ lớp 5-7, còn cấp 3 thì từ lớp 8-10. Lớp i - tờ (học vỡ lòng) là lớp học chuẩn bị vào lớp 1.

Hiện nay bậc phổ thông hệ 12 năm ở VN được chia như sau:

Phổ thông tiểu học: lớp 1-5

Phổ thông cơ sở: lớp 6-9

Phổ thông trung học: 10-12

** Ngày trước xếp học sinh theo điểm tổng kết các môn học theo kiểu trung bình cộng, ai có điểm cao nhất sẽ xếp thứ nhất, điểm cao thứ 2 sẽ xếp thứ hai, ai có điểm thấp nhất thì xếp thứ bét, gọi là “đội sổ” .

NKV

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này