Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Ông kể cháu nghe (01/05/2019)

- Ông ơi, ông kể truyện hồi bé của ông đi cho cháu nghe!

- Ngủ đi, V ơi, hơi khuya rồi đấy.

- Ông kể đi, truyện ngắn cũng được, cháu chưa thấy buồn ngủ.

- Vậy ông kể cho V nghe hồi ông còn bé nhé và đừng có bắt ông kể lại đấy.

- Vâng ạ.

Thế là ông nhớ đâu thì kể đấy, còn ku V thì chăm chú nghe, một lúc sau ku cậu díu mắt lại và lăn ra ngủ, trên môi nở nụ cười con trẻ, chắc ku cậu có giấc mơ đẹp…

Thay lời dẫn truyện: Ai cũng có một thời tuổi thơ, nhưng không phải ai cũng nhớ và muốn ghi lại, đời người ai chẳng có những lúc vui buồn kia chứ. Thế rồi có một lần có ông anh, gọi là bạn vong niên cũng được, anh nói tớ muốn viết về chuyện gia đình mình. Hay quá, anh viết đi, em sẽ đọc và bình cẩn thận (comment). Rồi anh bắt đầu viết, chuyện mình, chuyện cha, chuyện mẹ, chuyện gia đình, hay lắm. Anh bảo, mình chỉ viết cho người trong nhà đọc chứ không phải viết kiểu tự truyện. Khó rồi đây, và cuối cùng anh quyết định viết theo kiểu nhật ký là phù hợp nhất, và anh đang tiếp tục viết… Còn tôi, viết thế nào nhỉ? Hay là kể cho các cháu nghe? Có thể chứ, sao lại không, thế là tôi bắt đầu viết, chẳng theo một trật tự nào, nhớ đâu thì viết nấy, thôi thì cứ viết…

Thời bé thơ

Ông nội của ông là một ông đồ dạy học, không biết có phải là do di truyền không, nên ông nảy ra ý định viết lại những gì mình còn nhớ, không phải để in ấn, mà chỉ để viết cho các cháu, dù chuyện của ông có gì đáng nói đâu. Ông của ông là một đồ nho, chữ nghĩa đầy người nhưng rất nghiêm khắc nên ông không nhớ nhiều. Nhớ nhiều nhất là bà nội của ông vì bà kể bao nhiêu là truyện cổ tích và hay kể cho ông nghe những chuyện khi ông còn bé tí teo. Bà kể, khi ông học nói, cái cò thì nói thành é cò và rất ngoan mỗi khi bà kể truyện. Thời đó đã toàn quốc kháng chiến, cả nhà chạy loạn, chạy loanh quanh từ làng này chạy sang làng khác, nơi đâu yên ả thì đến chứ làm gì có thông tin như bây giờ. Đó là một hình thức tản cư và sau này thời chiến tranh Mỹ đánh phá miền Bắc thì dân thành phố gọi là đi sơ tán.

Ông chỉ còn nhớ bà nội của ông rất hay kể chuyện để ông ngủ, toàn là truyện cổ tích, từ “Lý Thông Thạch Sanh”, “Mỵ Châu Trọng Thủy”, ”Thánh Gióng”, “Tấm Cám”, “Tống Trân Cúc Hoa”…nhiều lắm. Bà của ông hay kể chuyện hội Gióng, hội chùa Hương mà ngày xưa toàn rủ nhau đi bộ, sang lắm thì được đi xe ngựa.

Thời đó quê ông thuộc vùng tạm chiếm, ông chỉ còn nhớ những trận càn của quân Pháp qua những cuộc tập trung dân chúng tại đình làng, những lính Pháp súng ống đầy người, đen có, trắng có, họ nói xì xồ tiếng tây, những lính da đen thì toàn gọi là tây Ma rốc. Họ chẳng làm gì với bọn trẻ con vì họ chỉ toàn truy lùng du kích, nhưng cũng thấy sờ sợ, vì du kích toàn là những người lớn thân thuộc trong họ hàng. Những lần bị moóc-chi-ê bắn vào làng thì mẹ ông lại đưa cả nhà tản cư sang làng bên cạnh, ấy là làng Tiêu. Quê ông đặt tên làng khá đặc biệt, thường chỉ dùng tên có một chữ thôi, như làng Sậy, làng Cẩm, làng Hồi, làng Viềng, làng Chõ, làng Lim, làng Sặt, làng Me…. Làng Tiêu có nhiều xóm, mẹ ông đưa tới tiêu Giút, cạnh chân núi Tiêu có chùa Tiêu. Ở đây bà bắt đầu cho ông đi học chữ ở xóm Tiêu Long, cách đó không xa. Ông không còn nhớ đã học những gì, chỉ nhớ là trước khi vào lớp phải chào cờ, cờ Pháp, dân gọi là cờ tam tài, ông thầy giáo là một người Việt.

Thế rồi ông thấy mọi người kéo về làng, hòa bình rồi, hồi đó ông có biết gì về chiến thắng Điện Biên Phủ đâu. Ông được mẹ cho đi học i-tờ, gọi là lớp vỡ lòng của ông đồ Bích mà ông phải gọi là ông chú chứ không học ông của mình. Ông nghiêm lắm, lúc nào cũng có một cái roi bằng tre trúc trong tay, học trò không thuộc bài là ăn roi ngay vào mông, hoặc xòe tay ăn thước, tệ hơn thì bị quỳ trên vỏ mít đầy gai… Không phải có phải vì họ hàng hay không nhưng ông không phải bị phạt lần nào, ông luôn thuộc bài, chăm chỉ, nhưng cũng nghịch ngầm nhưng không để ông chú biết, thế là ổn. Có mấy đứa trong lớp không dám đi học vì sợ bị đòn và những hình phạt của thầy đồ. Chúng ông học chữ quốc ngữ, tập viết, tập tô, tập đánh vần, cũng chẳng có gì quá khó, sao mà phải sợ?

Năm 1957, trời thì nắng trang trang mà lại nghe tin bị lụt, vỡ đê cống Mai Lâm sông Đuống, thế là phải lên núi Chùa tránh lụt. Mênh mông những cánh đồng toàn nước, nước đỏ ngầu một mầu phù sa. Ông cũng đã bập bõm biết bơi, tuy là kiều bơi chó, chân thì đập thùm thùm, đầu thì ngẩng để khỏi uống nước và hai tay thì khua khoắng loạn xạ... Ông, bà nội của ông và bà cô ở trong một gian chùa nhà thờ tổ dành cho các sư và các chú tiểu. Mẹ ông thì đưa em gái của ông đi lên Bắc giang sơ tán lụt. Phải mất đến hơn hai tháng trời nước lụt mới rút, nhưng nước chưa cạn hẳn, đường xóm đã hở ra, thế là lại dọn về nhà và ông bắt đầu cuộc chơi mới của con trẻ sau cơn lụt. Bọn trẻ con rủ nhau đi bắt cua. Ông không thạo chuyện này, nhưng thấy chúng nó làm được thì sao mình lại không? Những bờ ruộng lớn đã nhô ra, muốn bắt được cua thì phải lặn hụp và thò tay vào nhưng hang hốc mới túm được cua ra, lắm khi bị cua cắp đau điếng nhưng phải tiếp tục bắt cho đến khi đầy giỏ mới chịu về. Sau hơn hai tháng không bị bắt, cua rất to và béo, nhưng bị những cái càng to của chúng cắp đứa nào cũng cắn răng suýt xoa, nhưng quyết không bỏ cuộc. Có lúc túm phải rắn và bị cắn, nhưng cũng chẳng sợ vì bọn bạn bảo nhau rắn nước cắn không sợ vì không độc. Nước rút hẳn rồi, lại đi học, bàn chẳng ra bàn, ghế chẳng ra ghế, lớp học trong cầu Giếng (nhà chung của xóm), ông vào ngay lớp 2, không biết lớp một là thế nào.

Ông thầy tên là Dương, một giáo viên lưu dung (mãi sau này ông mới hiểu giáo viên lưu dung là thế nào) dạy tập viết và tập làm tính, ông ấy rất nghiêm khắc, lỗi nhẹ thì đứng quay mặt vào tường, lỗi nặng thì đưa tay ra đây và ăn thước vụt vào tay, nhiều đứa sợ bỏ học, còn ông thì không bị phạt lần nào, học để đọc truyện thì việc gì mà phải sợ và ông hứng thú với tủ sách của ông nội ông. Ông bắt đầu đọc những chuyện sách học vỡ lòng ngày xưa, những gương trò cũ thăm lại thầy, truyện “Lấy tây” chẳng nhớ là của ai và cũng chỉ hiểu lơ mơ sao người lớn lắm chuyện thế cơ chứ. Ông bắt đầu thích đọc Tây du ký, Tam Quốc diễn nghĩa, thơ Hồ Xuân Hương, Niên biểu Phan Bội Châu, Hoa Tiên, Chinh phụ ngâm và cả “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên…

Ông không còn nhớ gì về cha mình vì khi ông mất ông còn quá nhỏ, năm tháng loạn lạc làm gia đình không còn giữ được tấm ảnh nào của bố ông. Chỉ thấy bà nội kể cho ông nghe là cha cháu hiền lắm chứ không mạnh mẽ như cháu bây giờ, còn những người lớn khác thì bảo ông rất giống bố và đến giờ ông cũng chỉ còn biết có thế.

NKV

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này