Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Đến hẹn lại đi... Hồ trên núi (22/03/2019)

Trước đó 1 tuần, gặp nhau ở nhà hàng “Chả cá Lã Vọng” ở 107 phố Nguyễn Trường Tộ, Ba Đình, Hà Nội, bọn tôi chốt lại là 21 tháng 3 này sẽ đi Hồ Núi Cốc. Anh Quang có xe riêng và đã đi hồ Núi Cốc rồi nên chuyến đi cũng khá thuận lợi. Mới sáng rõ, tôi đã có phôn của anh Thái:

- 15 phút nữa anh ra xe nhé.

- Okay, tôi vừa mới mở mắt, đợi chút xíu nhé.

Anh Quang, vợ chồng anh Thái chị Dung đã ở trên xe rồi, tôi lên xe và chúng tôi cùng đến đón anh Tiến. Trời không mưa không gió nhưng có sương mù, anh Tiến đang ra cửa tầng trệt cao ốc, tặng cho anh Thái một vỉ sô-cô-la Pháp làm quà sinh nhật vì hôm qua chỉ chúc được trên phây thôi. Chúng tôi qua cầu Nhật Tân, câu cầu mới nhất qua sông Hồng của Hà Nội. Tôi và anh Thái tuy đã nhiều lần đến thành phố Thái Nguyên trong những kỳ nhà trường tổ chức bảo vệ đồ án tốt nghiệp thạc sĩ CNTT của trường Đại học Thái Nguyên, nhưng chưa lần nào chúng tôi cùng đến hồ Núi Cốc. Trời  vẫn mờ mờ sương, hai bên đường là những rặng tre, rặng cây vun vút lướt qua, trời đã hơi hửng nắng, chúng tôi đang ở miền trung du.

Hồ Núi Cốc là tên một hồ nước ngọt nhân tạo tại tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam. Đây là một địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên. Không những thế nó còn được gắn với huyền thoại về chuyện tình nàng Công và chàng Cốc.

Hồ Núi Cốc có vị trí phía Đông giáp thành phố Thái Nguyên, phía Nam giáp thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công, phía Tây và phía Bắc giáp huyện Đại Từ. Hồ nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 16 km về phía tây. Từ thành phố Thái Nguyên đi qua xã Tân Cương (một xã nổi tiếng với cây chè), sẽ thấy hồ Núi Cốc hiện ra trước mắt. Đây là một vùng du lịch sinh thái gắn với nhiều huyền thoại.

Anh Quang, tìm bài “Hồ trên núi“ của nhạc sĩ Phó Đức Phương và chỉnh độ to vừa phải:

Núi ...ơ núi! . Thuyền ơ thuyền ...

Mây ơ mây . Nước ơ nước ...

Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi.

Giữa dòng nước bạc, nhịp chèo ta bơi.

Ai đắp đập, ai phá núi, cho hồ nước đầy, là mặt gương soi?

Non xanh mà nước biếc, ối a ....

Hồ Núi Cốc đây rồi. Chúng tôi vào quán  làm một ấm chè Thái và nghe chủ quán giới thiệu qua các tua du thuyền trên hồ. Hồ gồm một đập chính dài 480 m và 7 đập phụ. Mặt hồ rộng mênh mông với hơn 89 hòn đảo lớn nhỏ: đảo rừng xanh, đảo cư trú của những đàn cò, có đảo là quê hương của loài dê, đảo núi Cái nơi trưng bày các cổ vật từ ngàn xưa để lại và đảo đền thờ bà Chúa Thượng Ngàn.

Hồ Núi Cốc nguyên là một đoạn của sông Công, một trong các chi lưu của sông Cầu chảy vòng quanh một ngọn núi đất có tên là núi Cốc. Đập Núi Cốc được khởi công xây dựng đầu năm 1972 nhưng do Không quân Mỹ mở chiến dịch Linebacker I đánh phá trở lại miền Bắc Việt Nam nên công trình bị đình hoãn đến đầu năm 1973 mới tái khởi động. Tháng 10 năm 1978, một trận lũ lịch sử trên sông Công có lưu lượng 3.000 mét khối/giây, gấp gần 4 lần lưu lượng xả thiết kế của cửa xả chính và làm vỡ hai vai đập. Công trình Đập Núi Cốc hoàn thành phần đầu mối vào năm 1979 và hoàn thành toàn bộ vào năm 1982.

Đập Núi Cốc tạo ra Hồ Núi Cốc có diện tích mặt nước trung bình 25 km vuông, ở thời điểm lũ tối đa là 32 km vuông; độ sâu 46,2 m, thời điểm cường lũ tối đa là dung tích toàn bộ 175,5 triệu mét khối, dung tích hữu ích 168 triệu mét khối. Hồ-đập Núi Cốc cùng các công trình phụ trợ tạo thành hệ thống thủy lợi Núi Cốc có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 12 nghìn ha lúa thuộc bốn huyện, thành phố phía nam tỉnh Thái Nguyên và khu công nghiệp Thái nguyên với lưu lượng 30 mét khối/giây; cung cấp nước phục vụ đời sống dân sinh của cư dân thành phố Thái Nguyên với lưu lượng 7,2 mét khối/giây. Tổng lượng nước do Hồ Núi Cốc cung cấp cho Thái Nguyên đạt từ 40 triệu đến 70 triệu mét khối/năm. Trong một số năm hạn hán, Hồ Núi Cốc còn còn tiếp nước cho hệ thống thủy nông Sông Cầu (Bắc Giang) khoảng 30 triệu đến 50 triệu mét khối/năm. Hệ thống thủy lợi Hồ Núi Cốc cũng có tác dụng cắt lũ cho vùng hạ lưu sông Công; chăn nuôi thủy sản và kết hợp du lịch.

Bên cạnh núi Cốc, sông Công, núi Văn, núi Võ, núi Quần Ngựa, nơi đây là chỗ tướng quân Lam Sơn Lưu Nhân Chú luyện binh, tích trữ lương thảo, lấy núi Văn, núi Võ kề bên làm sân tập, lấy nước sông Công nuôi quân để góp phần vào chiến thắng Chi Lăng năm 1427.

Chúng tôi chọn đi thuyền con vỏ thép có gắn động cơ. Chúng tôi gồm 5 người cộng thêm nhóm 3 người đi lễ, cứ thế lênh đênh nắm cảnh trên mặt hồ nước trong xanh, không rác, không bèo. Anh lái thuyền rất vui tính, vào những lúc cập bến cho khách hành lễ và ngắm cảnh, anh hay giúp chúng tôi chụp ảnh và kể chuyện. Anh kể trước đây vùng hồ này khá nhộn nhịp, nhưng gần đây xảy ra vướng mắc giữa thành phố Thái Nguyên, huyện Phổ Yên và Đại từ với nhà đầu tư nên nhiều việc phải đình lại, khách ít đi, chỉ vào dịp hè thì mới nhộn nhịp trở lại.

Các anh các chị sẵn smartphone nên cứ thấy có cảnh nào đó ưng ý là chụp, chụp lia lịa, còn khi nào muốn chụp ảnh cho cả nhóm thì lại ới anh lái thuyền chụp hộ, vui đáo để. Chúng tôi ghé thuyền vào đền Gàn thờ thánh mẫu nào đó, rồi đền thờ bà Chúa Thượng Ngàn… Đã đến tầm trưa rồi, sau 2 giờ bồng bềnh trên thuyền  ngắm cảnh hồ, cảnh vật xung quanh, chúng tôi lên thuyền trở về quán Bảo Sơn dùng bữa trưa. Trời có nắng, gió nhẹ, tôi nói đùa với tài xế Quang;

- Ông chọn ngày cũng chuẩn đó, hôm nay trời rất đẹp.

- Ờ ờ, may hơn khôn ông ạ.

Anh Tiến xen vào bình luận:

- Ai mà ngờ được 50 năm sau chúng mình còn được ngồi bên nhau bên hồ Núi Cốc nhỉ. Thế chẳng phải duyên phận là gì?

Số là chúng tôi đều học ở khoa Điện FEL ČVUT Praha, tuy mỗi người một chuyên ngành, nhưng đều có chung một gốc là FEL, nên biết rõ về nhau từ hồi đang còn là sinh viên, có người còn biết về nhau từ hồi tập trung ở Hà Nội trước khi lên đường sang Tiệp Khắc. Anh tiến bây giờ là nhà ngôn ngữ học, chuyên viết sách, làm thơ, nhưng công việc chính là làm từ điển. Anh sắp in xong tập 6 của Đại từ điển giáo khoa Séc- Việt, và vì thế sẽ về Hà Nội thường xuyên hơn. Chuyện cũ rồi lại sang chuyện mới, cười vang cả quán. Cũng may là hôm nay quán vắng khách nên chúng tôi không làm phiền đến ai. Bia không thể thiếu, gà đồi, cá suối, cá chép om dưa chua, cơm canh truyền thống… Mọi người chạm cốc chúc nhau sẽ còn nhiều dịp như thế này nữa, “còn trời còn nước còn non, còn nhiều sức khỏe ta còn gặp nhau”.

Trời đã về chiều, tạm biệt hồ Núi Cốc, tạm biệt Thái Nguyên, hẹn ngày gặp lại. Chúng tôi về theo đường cao tốc, nhanh hơn, cảnh vật hai bên đường có nắng trông tuyệt đẹp, đất nước mình đẹp lắm, nơi nào cũng đẹp tuy chưa giàu có.

Hà Nội đây rồi, đường chưa ùn ứ vì chưa phải giờ cao điểm.Chúng tôi tạm chia tay, lại hẹn gặp nhau vào một dịp khác.

SỰ TÍCH SÔNG CÔNG NÚI CỐC

Ngày xưa dưới chân Tam Đảo có một chàng trai nghèo sống bằng nghề kiếm củi, lầm lũi quanh năm suốt tháng mà chẳng đủ ăn, nên dân làng gọi tên chàng là Cốc. Vì nghèo, chẳng có cô gái nào dám lấy chàng. Lúc buồn, chàng chỉ có cây sáo làm bạn tâm tình.

Thủa ấy ở vùng Sông Đáy, Sông Gâm có một Quan Lang giàu có, người đến làm thuê đông nườm nượp, ai cũng hy vọng được làm rể nhà Quan Lang.

Cô con gái độc nhất của Quan Lang xinh đẹp, hát hay và múa dẻo nổi tiếng. Người ta quen gọi nàng là nàng Công. Đã mấy lần cha nàng tổ chức kén rể, nhưng rồi nàng vẫn "phòng không cô quạnh". Ai muốn làm rể Quan lang, phải làm công cho nhà Quan Lang 3 năm. Mãn hạn thì được gặp mặt nàng Công. Nếu nàng ưng ai thì Quan Lang cho cưới ngay. Nhưng nàng Công chưa biết ưng ai?

Vào một năm hạn hán mất mùa, chàng Cốc lần tìm đến nhà Quan Lang làm thuê. Thấy chàng hiền lành, thật thà Quan Lang giao cho chàng việc chăn đàn trâu trong rừng. Những lúc cô đơn, chàng chỉ biết gửi lòng mình vào cây sáo trúc. Tiếng sáo làm nàng Công xúc động tìm đến với chàng, khi biết chuyện, Quan lang vô cùng tức giận. Hắn lập âm mưu giết chàng Cốc, Sai chàng đến Lũng Phia lấy ngà voi, sừng tê giác, gạc nai về làm lễ vật đám cưới. Lũng Phia là khu rừng rậm rạp có nhiều thú dữ ăn thịt người. Xong được sự giúp đỡ của các loài thú rừng, chàng đã hoàn thành các điều kiện của Quan Lang đặt ra, hơn thế nữa chàng được Tiên ông ban cho chiếc lược và dặn "Nếu gặp nguy hiểm cứ bẻ răng lược bỏ lại phía sau".

Chàng Cốc trở về chòi canh trâu nhờ tiếng sáo nhắn gửi đến nàng Công lời hò hẹn. Nghe tiếng sáo quen, nàng nhảy lên lưng con ngựa hồng của cha phi vào rừng. Không thấy con gái, lại thấy mất ngựa hồng, Quan lang hò hét người ngựa đuổi bắt. Nàng Công và chàng Cốc cùng ngồi trên lưng ngựa hồng phóng vun vút như tên bay. Mỗi khi quân của Quan lang tới gần, chàng Cốc lại bẻ một răng lược ném lại phía sau. Chiếc răng lược vụt hiện thành một dãy núi ngăn bước tiến của chúng. Đêm khuya đến một vùng đất bằng, hai người xuống ngựa đốt lửa và nghỉ ngơi lấy sức.

Răng lược đã hết, quân của Quan Lang đuổi tới cùng, nàng Công than khóc cùng chàng Cốc và bảo chàng hãy một mình phi ngựa chốn về quê chờ ngày gặp lại. Hai người đớn đau chia tay, Chàng Cốc lên ngựa và ném lại chiếc sống lược còn lại. Mặt đất bỗng chốc nứt ra một vệt nứt dài và sâu. Vừa lúc đó Quan lang tới bắt nàng Công về.

Từ đó, hai người thương nhớ và chờ đợi nhau mà chẳng có cách nào tìm gặp nhau. Không thấy nàng Công tới, nhớ thương, tuyệt vọng chàng Cốc héo hon mà chết. Trời đất cảm thương hóa chàng thành một quả núi sừng sừng giữa trời. Thương nhớ chàng Cốc, nàng Công khóc ngày khóc đêm. Cho đến một ngày kia cả tấm thân nàng cũng hóa thành nước mắt. Nước mắt yêu thương chung thuỷ qua bao năm tháng thấm sâu vào đất, chảy thành dòng theo vết nứt tìm về núi Cốc.

Truyền thuyết để đời, vùng đất hai người đốt lửa sưởi đêm ấy sau này có tên là Yên Lãng để ghi kỷ niệm một đêm yên lành hạnh phúc của đôi trai gái. Còn đống than đượm lửa tình yêu son sắt ấy được đắp vùi giữ gìn, rồi trở thành mỏ than Núi Hồng bây giờ. Còn nước mắt nàng chảy thành dòng sông Công về vùng đất Tân Cương là quê hương Cốc, tạo nên hương vị chè ngọt thơm nổi tiếng mà chỉ vùng này có được.

(theo vi.wikipedia.org)

Hà Nội, ngày 22.3.2019

NKV

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này