Lần đầu tiên khán giả châu Âu có cơ hội tiếp cận trong cùng một không gian các tác phẩm nghệ thuật đương đại của nghệ sĩ Việt trong nước, Việt kiều và nghệ sĩ Đức thuộc hai thế hệ.

Nghệ sĩ, giám tuyển Veronika Radulovic bên tác phẩm “Souvenir” của bà

Việt Nam, đâu chỉ có mỗi chiến tranh

Bộ ba bức ảnh (thuộc serie “Việt Nam điểm đến của thiên niên kỷ”) của nghệ sĩ Đinh Q Lê với dòng chữ khá khiêu khích chạy trên mỗi bức ảnh gần như là điểm nhấn gây chú ý của phòng triển lãm. Các bức ảnh có tên: “So sorry”; “Come back to Sai Gon”; “Come back to My Lai”. Hình ảnh mang tính mời chào du khách Mỹ (từng đến VN trước kia) trở lại khám phá đất nước con người nơi đây. Trong một bức ảnh có ba nữ sinh áo dài trắng với nét mặt thư thả và dòng chữ tiếng Anh tạm dịch là “Rất xin lỗi để nghe điều này, các bạn vẫn chưa thoát khỏi chúng tôi đâu. Hãy trở lại Việt Nam để có hồi kết”. Theo giám tuyển Đỗ Tường Linh, nghệ sĩ Việt kiều  Đinh Q Lê từ Mỹ lần đầu trở về Sài Gòn đầu những năm 1990. Khách du lịch Mỹ lúc đó chỉ tò mò đến Sài Gòn, Mỹ Lai, Củ Chi… để nhìn “chiến trường xưa” và ấn tượng ghi dấu về mảnh đất này chỉ dừng ở đó. Tác giả muốn người Mỹ và khách Tây trở lại đây để cập nhật một Việt Nam rất khác với thông tin quảng bá du lịch xưa cũ.

Cũng từ tác phẩm này mà nhóm giám tuyển đã nảy ra tên “Không chiến tranh, không Việt Nam”. Từ trước đến nay, với người châu Âu, hễ nói đến Việt Nam là nói đến chiến tranh, hai khái niệm này mặc định gắn với nhau cứ như thể “không có chiến tranh thì không có Việt Nam”. Tên triển lãm chất chứa mong muốn khách quốc tế bỏ bớt mặc định đó đi và thưởng lãm cách nhìn mọi chuyện của dân nghệ thuật đương đại.

Đầu năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 50 năm phòng trào Dân chủ châu Âu trong đó có làn sóng phản đối chiến tranh tại VN của “thế hệ 1968”, hai nữ nghệ sĩ người Đức Veronika Witte và Veronika Radulovic dự định làm chung một triển lãm với chủ đề liên quan. Cả hai nghệ sĩ từng đến Việt Nam, riêng Veronika Radulovic từng có nhiều năm hoạt động, giảng dạy nghệ thuật đương đại tại nước ta. Để triển lãm có cái nhìn đa chiều của nhiều thế hệ, họ đã mời thêm giám tuyển Đỗ Tường Linh và sinh viên ngành nhân học (tại Berlin) Trần Thị Thu Trang vào nhóm.

Ẩn chứa tình yêu

Trong suốt 6 tuần diễn ra sự kiện, có nhiều talk show, buổi chiếu phim thu hút khán giả Berlin. Trong vai trò chủ nhà, giám tuyển chính, Veronika Radulovic hầu như có mặt mỗi ngày tại triển lãm, sẵn sàng làm hướng dẫn viên, giải thích ngọn nguồn, ý niệm từng tác phẩm. Có 3/4  số lượng tác phẩm của nghệ sĩ Đức, 1/4  còn lại tác phẩm của nghệ sĩ người Việt hầu hết thuộc bộ sưu tập tư nhân. Những tên tuổi nghệ sĩ Đức như Ernst Volland, Guenter Zint, Wolfrang Winter, Martha Rosler... gặp gỡ Đinh Q Lê, Trương Tân, Nguyễn Trinh Thi, Nguyễn Phương Linh, Sung Tiêu... trong một không gian nghệ thuật tại Berlin là một nỗ lực khó tin. Không có kinh phí, các curator đều làm việc không lương, nhiều nghệ sĩ Đức tự chở tác phẩm đến triển lãm. Tác phẩm sơn mài “Áo giáp” của nghệ sĩ điêu khắc Phi Phi Oanh từ Hà Nội đến Berlin theo đường đi nhờ va li của một khách du lịch. “Rất may là nó không bị móp, sứt mẻ gì vì chúng tôi chỉ mượn triển lãm rồi phải gửi lại về cho nhà sưu tập”, Đỗ Tường Linh chia sẻ.

Những bức ảnh, tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Đức từ thập niên 60-70 về chống chiến tranh Việt Nam hay những tác phẩm điêu khắc, video art mới được nghệ sĩ Việt sáng tạo gần đây được sắp đặt lại với ý niệm mới, chuyển tải qua con mắt vừa hóm hỉnh vừa sâu sắc của những người tuyển chọn. Sau tất cả, khán giả vẫn cảm nhận rõ tình yêu và sự thiên vị riêng có của các nghệ sĩ với mảnh đất hình chữ S này.

Tác phẩm sơn mài “Áo giáp” của Phi Phi Oanh

Hoàng Hoa (TPO)