Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Cây đào Tết trong căn hộ ở Berlin (27/01/2017)

Quê tôi là miền bãi ven sông Hồng, quanh năm cây cối xanh tươi bởi đất phù sa màu mỡ. Cây cũng như người cứ trồng là lên, cứ sinh là lớn. Quê miền bãi nên nhà nào cũng có vườn rộng, có gia đình vườn 2-3 sào, có vườn gần 1 mẫu, nhà nào cũng thế.

Vườn rộng như vậy nhưng dân quê chủ yếu trồng rau, mùa nào rau đấy, cây rau nhanh lớn, nhanh thu hoạch, bán lấy tiền chi tiêu, chủ yếu là đong gạo. Vì vậy cả làng, cả tổng chả nhà nào trồng đào, họa hoằn lắm mới có nhà có cây mận, cũng chỉ để chơi thôi, chứ mận ra nhiều quả hay ít quả cũng chả bán được xu nào. Mận có quả thì hàng xóm đến xin hay trẻ con trẩy trộm. Mận còn quả nào sót lại thì để đến ngày mùng Năm tháng Năm, hay còn được gọi là ngày giết sâu bọ. Vì thế dịp Tết, dân quê tôi hay lấy cành mận, hoa mận thay cho cành đào, thi thoảng có nhà cắm thêm bông hồng tự trồng ở vườn nhà mình. Vậy thôi, ngày Tết chủ yếu chạy lo cái ăn, chứ bụng dạ đâu nghĩ đến hình thức như bây giờ.

Hồi tôi còn trong quân ngũ, đóng tại Hà Nội, dịp Tết, mấy thằng trong đơn vị rủ nhau ra chợ hoa Hàng Lược xem chợ, xem hoa, ngắm phố… Lần đầu tiên tôi thấy chợ hoa Tết đẹp và lung linh như phim bên những cửa hàng phục vụ Tết với hàng dài người xếp hàng đợi mua phân phối mứt Tết, lá dong, gạo nếp, bóng bì, chè Ba Đình, thuốc lá Tam Đảo, mỳ chính, nước mắm... Nhà tôi làm nông nên chả có tiêu chuẩn kia. Hồi đó cứ nghĩ mà thèm, mà ước ao bao giờ mình được đứng xếp hàng như đoàn người kia đã là hạnh phúc rồi.

Bấy giờ ngắm những dòng người cầm hoa đào bán dong ở chợ đã thấy vui, say mê ngắm không chán mắt, những cành đào di động đã nhu nhú nụ, muốn nở lắm rồi, cành được cuốn tròn trong những bao giấy xi-măng, trong tay người bán di chuyển liên tục như thể vườn đào biết đi. Thế rồi tôi cũng liều mua 1 cành nho nhỏ vừa túi tiền về quê chơi Tết.

Năm ấy, trên bàn thờ có cành đào, không khí Tết nhà khác hẳn, ông bác họ xa, ở ngay cạnh sang nhà cứ tấm tắc khen và dặn sang năm mua hộ 1 cành. Tôi chưa kịp mua cho bác thì đã sang Đức theo diện lao động và học tập nâng cao tay nghề, mấy năm sau về thì bác đã về Trời. Tên bác là Điển, nhà phía trước nhà tôi, bác hiền lành lắm. Tôi cứ ân hận mãi vì chưa mua được cho bác cành đào; cộng với 1 lần tôi cùng anh lái xe của đơn vị "đánh" chiếc xe tải GMC về tận làng tôi, xe đỗ trên đê, bác Điển cầm cái chai "cút" chạy ra xin ít xăng về để bật lửa, tôi giải thích với bác là xe này chạy bằng dầu, cháu không có xăng. Bác đứng thừ người như không tin, mắt bác trùng xuống...

Được định cư ở Đức, do hoàn cảnh và điều kiện đi về rất xa, đường bay lòng vòng nên tôi chả mấy khi ăn Tết ở quê nhà, chủ yếu ăn Tết ở trời Tây. Năm nào cũng vậy, cứ bảo quen rồi, nhưng nỗi nhớ Tết làm sao quên được và làm sao quen được Tết ở nơi xa xứ? Không hiểu trên trái đất này có nơi nào Tết lại thiêng liêng như Tết ở đất Việt quê mình không? Tết có mưa phùn se lạnh, có báo Tết, có đài, vô tuyến toàn chương trình Tết, có bánh chưng, có thịt đông, có dưa hành, có hẹn hò, đợi chờ, có không khí sum họp gia đình... Tết có hoa đua nở, đặc biệt là Tết có sắc đào thắm mà không có hoa gì thay thế được!

Ở Đức, đào ta không có, những năm đầu mới sang, chúng tôi lấy cành táo, rồi dùng giấy màu hồng đánh sun lại cho giấy xoăn như cánh đào, cắt dán lên cành táo làm cành đào giả. Làm khéo thì trông thoáng như cành đào, nhưng nhìn kĩ thấy dởm, y như xem kịch anh con trai đóng giả gái, và gái đóng giả trai, không có thì đành phải dùng, chứ đào thật e ấp, khoe sắc rất kín kẽ, chẳng hoa giả nào bắt chước nổi. Chả biết từ bao giờ, tôi cứ mong có cây đào trong căn hộ nhà mình ở Berlin. Và cái gì ước muốn mãi rồi sẽ đến...

Lần ấy tôi về Việt Nam có việc gia đình, sang Đức 5 ngày trước Tết. Trước khi bay, tôi mua hơn 2 chục loại báo Tết sang để vừa đọc, vừa tặng. Chạy lên chợ Nghệ ở thị xã Sơn Tây mua một cây đào vừa phải, thế đẹp, rất nhiều nụ, có nụ đã mở cánh đón Xuân. Cậu em ở quê có sáng kiến bỏ hết đất cho nhẹ, lấy giẻ tẩm nước, cuốn vào gốc, vào rễ rồi lấy báo cũ bọc, cho vào thùng các-tông chuyển sang Đức.

Cây đào trông như vậy nhưng không thể nhét vào va-ly được, bắt buộc phải đóng kiện riêng, mà tiêu chuẩn hàng không mỗi người được phép 1 kiện không quá 23 kg. Khi làm thủ tục bay tôi nói "hết nước" nhưng họ không đồng ý cho mang 2 kiện, bắt buộc phải mua thêm hàng quá cân là 80€, tại sân bay người ta cũng giải thích thêm là kiện quá cân nếu có thất lạc cũng không được kiện, hãng hàng không không bảo đảm việc này. Đã có công mua, bao công chuẩn bị, đem ra tận đây thì giá nào cũng "chơi", tôi chấp thuận điều kiện đó.

Suốt chặng đường bay cả đổi chuyến gần 20 tiếng đồng hồ, tôi chỉ nghĩ đến cây đào sẽ được kê ở đâu trong phòng, lấy loại đất nào cho phù hợp... Nhưng ở đời cái gì cứ hy vọng nhiều quá đôi khi lại thất vọng, và cây đào cũng không ngoại lệ. Sang đến Berlin, khi băng chuyền dừng hẳn cũng chẳng thấy cây đào đâu. Vừa mệt sau chặng đường dài, vừa hẫng hụt vì cây đào, tôi đến phòng đăng kí hành lý thất lạc, rồng rắn đợi chờ gần 2 tiếng đến lượt, nhân viên kiểm tra mã số và nói lại rằng “Kiện của ngài (cây đào) đang ở Paris”. Họ nói tôi cứ về, hàng về họ gọi điện thông báo.

Theo quy định, hành lý thất lạc thì hãng hàng không phải đem đến tận nhà nếu hải quan được khám hành lý. Vì là kiện hàng có cây nên họ không biết cây gì và bắt buộc người chủ kiện hàng phải đến tận nơi nhận. Hôm sau, tôi đi gần 4 tiếng cả đi và về để nhận lại cây đào. Sau khi nghe tôi giải thích cây này là phong tục Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền, để có không khí Tết và gặp may, nhân viên hải quan vui vẻ cho tôi nhận về và còn nói "Chúc mừng năm mới". Tôi hí hửng đi vội ra xe.

Cứ nghĩ vào nhận hàng nhanh, tôi đỗ xe sai quy định, đỗ đúng vào góc cua của xe bus, làm cản trở giao thông, tôi ra đến xe thì thấy xe của mình đã bị cẩu đi nơi khác... Thế là lại thuê taxi đến chỗ phạt xe nộp 230€. Nhưng thôi, miễn là có cây đào trong phòng ngày Tết, không khí sẽ ấm áp hơn nhiều, rất Việt Nam, rất quê hương! Trên cành đào năm ấy, có Thư chúc Tết của anh Nguyễn Hữu Tráng - Tổng lãnh sự nước ta tại phía Nam nước Đức, có bưu thiếp bạn bè gửi, đan xen trong cành đào đang e ấp bật cánh chào Xuân...

Tết năm ấy, cả nhà chụp ảnh với cây đào, hình ảnh được chuyển ngay về quê hương, ai cũng khen cây đào mua ở đâu mà đẹp thế, ở bên đó cũng có đào cơ à... Tôi chỉ vâng vâng dạ dạ trong ngày Xuân và cùng gia đình nâng cao ly rượu mừng Xuân, ly rượu cũng lấp lánh màu hồng phai của cành đào từ quê nhà Việt Nam, lòng lại thổn thức rưng rưng nhớ quê nhà...

Thế Sáng (CHLB Đức) (quehuongonline)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này