Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Người Việt tại Séc thương tiếc tiến sĩ Ivo Vasiljev - Nhà Việt Nam học xuất sắc (26/10/2016)

Khi tôi ngồi viết những dòng này, con người được cả cộng đồng người Việt đang làm việc và sinh sống tại Cộng hòa Séc này ngưỡng mộ, trân trọng, quí mến như anh em ruột thịt đã không còn nữa. Tiến sĩ, nhà Việt Nam học Ivo Vasiljev đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 10h35 ngày 23/10 tại nhà riêng ở thành phố České Budějovice, để lại một khoảng trống không thể lấp đầy trong trái tim những người Việt Nam yêu quí ông.

Tiến sĩ Ivo Vasiljev  

Biết bao công việc, dự định dành cho cộng đồng người Việt ở đây của ông còn dang dở. Cuốn Đại từ điển giáo khoa Séc-Việt của ông và kĩ sư Nguyễn Quyết Tiến theo đúng lộ trình 6 tập, vừa mới xong tập 4, sách in chưa kịp ráo mực, ông đã ra đi… Về với xa xăm miền cực lạc, ông mang theo mình hình ảnh, con người của đất nước hình chữ S, nơi không sinh ra ông nhưng đã vun đắp lên trong ông nhiều khát vọng, nhiều ước mơ cống hiến và đặc biệt là tình yêu giữa con người với con người.

Cách đây gần 2 năm, trong chuyến về thăm Cù lao Chàm, tôi đã giật mình khi nhìn thấy ảnh của ông giữa những nhà khoa học Việt Nam. Đọc dòng chú thích, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi vào những năm 1997 đến năm 2000, ông được mời trực tiếp tham gia công trình khai quật và nghiên cứu tàu cổ bị đắm tại vùng biển này. Dấu chân của ông đã in hầu như khắp đất nước chúng ta nhưng có lẽ in đậm nhất vẫn là những dấu ấn trong các hoạt động xã hội. Với tư cách là một nhà Việt Nam học, ông đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp xây dựng, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị và sự hợp tác vô cùng quý giá của Chính phủ và Nhân dân hai nước Cộng hoà Séc và Việt Nam. 

Những lần gặp nhau, khi nhắc lại kỷ niệm những ngày ông được làm việc trong Phủ Chủ tịch, được làm việc bên Bác Hồ, được dịch cho Bác, cho phái đoàn cấp cao của Chính phủ Tiệp Khắc vào năm 1960 ấy, ông như trẻ lại. Ông nhớ tới ly rượu Bác mang đến cho mình khi đang đứng ở một góc dành cho người phiên dịch. Cuộc hội ngộ may mắn và kỳ diệu này đã như ngọn lửa làm bùng lên khát vọng dịch cuốn “Nhật ký trong tù” của Bác trong ông. Giữa bộn bề công việc ông vẫn dành thời gian dịch tập thơ rất khó khăn này, để đến năm 1985, trên kệ sách của những người yêu thơ nước Séc lại có thêm tập thơ của Hồ Chí Minh.

Trong chiều dài của mối quan hệ giữa hai nhà nước Việt Nam và Cộng hòa Séc, đặc biệt trong cộng đồng người Việt Nam đang sống và làm việc ở Séc, cái tên Vasiljev đã trở thành niềm tự hào. Những ai có may mắn được nghe ông nói chuyện về các đề tài từ cơm áo gạo tiền đến cách dạy dỗ con cái trưởng thành, hòa nhập tốt với xã hội đều không thể tin rằng, ngoài sự am hiểu sâu sắc về tiếng Việt, ông còn có những ví dụ chuẩn đến mức ngay cả người Việt chưa chắc đã biết đến. Hầu như những hoạt động lớn của người Việt ở Séc đều có mặt ông, hay đúng hơn là ông “bị” phải đến. Cũng chỉ bởi chúng tôi quá yêu ông và không muốn ông là của một ai, của một tổ chức nào.

Khi tôi đang phụ trách một tờ báo, tháng 3 năm 2011, biết tin ông về thành phố Hồ Chí Minh để nhận giải thưởng Phan Chu Trinh, tôi e-mail về và nhờ ông viết cho một bài về chuyến đi này. Nhận lời, ông viết cho tôi bài viết về một làng nghề có tên “Một thoáng Việt Nam” theo ông là có tiềm năng, kèm theo những bức ảnh ông chụp rất đẹp cùng những người bạn của mình. Khi gửi bài, ông cẩn thận dặn tôi rằng, bài sau ông sẽ viết cho báo khác. Thì ra ông đang chia đều để không làm mất lòng giữa những đồng nghiệp với nhau. Nhân hậu đến thế là cùng!

Trong những năm gần đây, làn sóng người Việt trong nước tràn sang mang theo những việc làm, hình ảnh không mấy tốt đẹp trong con mắt người dân bản xứ. Cùng với những nhà báo, nhà văn Séc có ảnh hưởng, có tầm nhìn nhân ái, ông cùng họ đã viết hàng loạt bài giới thiệu về văn hóa, con người, đất nước Việt Nam, nhằm không chỉ ủng hộ cho người Việt đang sinh sống ở đây, mà còn góp phần tích cực và có hiệu quả cho quan hệ giữa hai dân tộc.

Trong lần gặp mặt khi ông cùng kĩ sư Nguyễn Quyết Tiến ra mắt tập 3 của bộ Đại từ điển Séc-Việt, tôi đùa: “Chú phải sống đến trăm tuổi mới được mất đấy nhé, người Việt ở đây cần chú lắm đấy!”. Vừa nhai chiếc nem cuốn, ông vừa mỉm cười rồi phán với tôi: “Trăm năm trong cõi người ta...” rồi bỏ lửng kèm cái nháy mắt đầy ngụ ý.

Hôm nay ông ra đi. Trời bảng lảng gió trong cơ man xao xác vàng thu. Đời người quá ngắn trong thăm thẳm con đường lá rụng. Vẫn biết rồi ai cũng một lần đi về nơi ấy, nhưng sự ra đi của ông hôm nay khiến cho tất cả chúng tôi đau xót.

Còn lại với thời gian không chỉ những cuốn sách Tìm hiểu di sản của người Việt cổ, Hồi ký về phương pháp dạy và học tiếng Việt, Đại từ điển giáo khoa Séc Việt... và vô vàn những bài viết, bút luận, nghiên cứu của ông về con người, đất nước Việt Nam, mà còn điều vĩ đại hơn ông đã tạo ra: Tình anh em ruột thịt của một đại gia đình. Với chúng tôi, những người Việt đang sinh sống ở Cộng hòa Séc này, ông chưa và sẽ không bao giờ mất mà chỉ như đi đâu đó, ngắn thôi, lại về, lại cùng nhau nâng ly cho cuộc đời dài mãi.

Thiều Quang (CH Séc) (Quehongonline)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này