Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Những bí ẩn của nét chữ (27/02/2016)

Truyện ngắn Tajemství písma - Povídky z jedné kapsy của Karel Čapek

“Ruberne này”, Tổng biên tập lên tiếng, “cậu sẽ tới xem cái tay xem tướng chữ viết Jensen đi, tối nay anh ta giới thiệu công trình của mình cho đại diện báo chí đấy; nghe nói cái tay Jensen này là người sẽ  tạo nên bước ngoặt gì đó. Sau đó cậu viết một bài khoảng độ 15 dòng nhé”.
“Được thôi,” Rubner làu bàu vừa đủ với chuyến công tác mà ông chẳng thấy có hứng thú này. “Nhưng mà cậu phải chú ý để đừng mắc vào chiêu lừa bịp đấy nhé,” tổng biên tập thiết tha dặn dò. ”Cậu hãy kiểm soát tốt vào, nếu như có thể chính cả bản thân mình nữa. Chính vì thế tôi cử cậu đến đó, một người có giàu kinh nghiệm mà…“.

 “ - - đó là, thưa các ngài, những nguyên tắc khoa học chính, nói chính xác hơn là thuật tâm lý học xem nét chữ viết tay”, thầy xem tướng chữ viết Jensen kết thúc buổi thuyết giảng trước đại diện báo chí vào chiều nay. “Như các ngài thấy, toàn bộ hệ thống được xây dựng trên các định luật hoàn toàn có tính thực tiễn; nhưng tất nhiên việc áp dụng các phương pháp chính xác lại vô cùng phức tạp nên tôi không thể trình bày hết chỉ trong một bài giảng này. Tôi chỉ giới hạn hướng dẫn phân tích thực tế cho các ngài  hai hoặc ba bản thảo viết tay mà không thể giải thích tính lý thuyết toàn bộ quy trình trong công trình của tôi; rất tiếc là hôm nay chúng ta chưa làm được. Tôi xin các ngài ai có thể cho tôi bất kỳ bản viết tay nào đó cũng được”.

Rubner chỉ chờ tới lúc này để đưa ngay cho Jensen vĩ đại một bản viết tay trên giấy. Jensen đeo chiếc kính phù thủy của mình vào và ngắm nghía những chữ viết.
“À há, bàn tay đàn bà,” ông ta nhăn mặt. “Chữ đàn ông viết thường rõ ràng và thú vị hơn, nhưng mà cuối cùng – “Ông ta ầm ừ gì đó, nhìn chằm chằm vào cái tờ viết tay này. “Hừm, hừm,” rồi nói và lắc đầu; yên lặng đến phát sợ…

“Thế không phải đây là chữ viết…của người thân thuộc với ông sao?” bỗng nhà xem bói chữ hỏi.

“Không phải, làm gì có chuyện đó” Rubner vội vàng phản đối.
“Thế thì may rồi,” Jensen vĩ đại nói. “Anh nghe đây, người đàn bà này hay nói dối! Đây là ấn tượng đầu tiên từ bản viết tay này: dối trá, dối trá thành thói quen, dối trá là một phần thể hiện của cuộc đời. Ngoài ra con người này trình độ rất thấp; người có học thức sẽ không phải biết nói gì với bà ta - Là người rất nhục dục; nét chữ này có cái dạng  béo bệu. Và cẩu thả hết chỗ nói; xung quanh bà ta chắc cũng như thế - thế đấy! Đây là những nét quan trọng  rõ nét nhất mà tôi đã nói cho ông ngay từ đầu; đầu tiên ông  nhận biết ở một người là thói quen của người ta, nghĩa là các tính cách-phẩm chất mà trực tiếp biểu lộ một cách cơ học từ bên ngoài. Bản chất của phân tâm học sẽ bắt đầu từ ngay những tính cách mà đương sự cố chối bỏ hoặc kìm nén thể hiện, bởi vì nếu không sẽ phơi bày sự phô trương kệch cỡm với những người xung quanh. Ví thể như, ”nói mà chấm ngón tay lên đỉnh mũi,” những người như thế không thừa nhận là họ nghĩ gì. Là người hời hợt, và hời hợt theo cả hai nghĩa; hời hợt thể hiện, có nhiều những sở thích thấp hèn nhưng tất cả đều được che đậy so với thực tế những gì họ nghĩ ngay cả những điều vụn vặt quá ư tầm thường: ý tôi muốn nói tới thói xấu được  khống chế bởi tâm hồn lười nhác. Ví dụ, anh xem đây: nét chữ này khêu gợi quá lố - đây là dấu hiệu của tính phóng đãng - và lại còn hiểu biết tầm thường; con người này rất thích sống tiện nghi hơn là tìm thấy ý nghĩa của sự phiêu lưu; tất nhiên khi có cơ hội đến với họ - Nhưng đây không phải là việc của chúng ta. – Vẻ thoải mái không bình thường đến mức chán ngắt; khi mà làm được điều gì đó, thì nói nửa ngày về chuyện ấy đến độ nhàm chán – Quá bận rộn với chính mình và thấy rõ là chẳng ưa ai cả; chỉ lo cho sự an nhàn của mình, đưa đẩy việc nặng cho người khác và muốn làm cho người khác tin mình, rằng yêu họ và họ được chăm sóc ra sao. Đây là một trong số kiểu đàn bà, trước mặt họ đàn ông đều là những kẻ yếu đuối và khờ khạo - đơn giản họ trở thành kẻ hèn nhát tẻ nhạt toàn gây phiền phức, loại đàn bà này ba hoa chích chòe, tất cả vì động cơ thấp hèn. Ông hãy để ý xem, cái chữ viết ở đầu các từ và đặc biệt là ở các đầu câu: vừa kéo dài vừa ẻo lả làm sao ấy. Con người này muốn ra lệnh và thực ra đang lên mặt; nhưng không có sức nặng, mà hình như còn hay quan trọng hóa vấn đề và lắm lời; có khi còn láu cá, tức là láu cá kiểu nước mắt cá sấu. Có điều đặc biệt này: cứ sau mỗi lần bùng nổ thì thấy xụt giảm rõ rệt và còn có vẻ hơi chán chường nữa; có cái gì đó đang hãm phanh con người này vì thường sợ sệt cái gì đó – và rất có thể muốn không thể hiện ra ngoài những gì đe dọa đến tiện nghi vật chất; chắc đó phải là cái gì rất cay đắng và được che đậy một cách hoàn hảo, hừm, tôi chẳng biết nữa, có thể còn có cái gì đó nữa trong quá khứ. Chỉ sau cái phản ứng này người này lại tập trung sức lực hoặc chính xác hơn là kỹ năng sống theo thói quen để viết nốt một từ - tất nhiên với phần đuôi tự mãn và rườm rà ở cuối từ; lại bắt đầu từ đây tăng thêm sự tự tin. Ông có cảm tưởng đầu tiên là ở đây có cường điệu trong khi phân tích. Qua đây, thưa các ông, các ông cũng thấy việc phân tích chi tiết cuối cùng phải khẳng định điều đầu tiên, đại thể, thông thường có phần hơi mang tính cảm tưởng trực giác; sự trùng hợp cuối cùng này tôi gọi là phương pháp xác nhận. Tôi đã nói rằng đây là mức thấp; nhưng mức này không phải đưa ra tính đơn giản mà là  bằng sự không tương hợp; nét chữ được che giấu, làm đẹp hơn lên là nó vốn có nhưng lại có tác dụng thể hiện với những chuyện vụn vặt thôi. Con người này trong những lúc gặp rủi ro chỉ để ý đến những tiểu tiết: chú ý đến từng dấu chấm, dấu sắc trên chữ “i” nhưng lại không chú ý đến những vấn đề lớn, vô kỷ luật, vô đạo đức, tóm lại là hết chỗ nói. Điều gây bất ngờ nhất là các dấu phẩy; chữ viết thường ngả về phía bên phải, nhưng các dấu phẩy lại ngả về phía bên trái. Làm cho ta có cảm tưởng lạ đời như là nhát dao găm đâm từ phía sau. Trong đó có cái gì đó láu cá và lừa lọc. Ý tôi là nói cho có hình ảnh, con người này biết đâm sau lưng người khác; nhưng không thể dấu được sự lười nhác của mình - và chưa đủ trí tưởng tượng. – Tôi nghĩ là chúng ta nói thế là đủ rồi. Có còn ai có bản nào khác thú vị hơn không?”

Thế rồi chiều Rubner trở về nhà với tâm trạng ưu tư.
“Đủ rồi đấy, là ông đã về” bà Rubnerová nói. "Ông đã ăn tối  ở đâu rồi hả?"
Rubner nhìn vợ với vẻ buồn bã. “Bà lại bắt đầu đấy hả” ông gầm gừ vẻ đe dọa.
Bà Rubnerová nhíu mày vẻ ngạc nhiên. “Tôi xin ông, sao tôi lại bắt đầu chứ? Tôi chỉ hỏi xem ông có muốn ăn tối không thôi mà”.
“Thế thôi ư”, Rubner đáp với giọng  chống đối. “Tất nhiên là bà không biết nói gì hơn khác ngoài  chuyện cơm nước. Đấy là những ý thích thấp hèn của bà. Sao lại hạ thấp đến thế, ba hoa chích chòe muôn thuở, sặc mùi vật chất và làm người ta ngán đến tận cổ - “Rubner thở dài sườn sượt và phẩy tay một cách vô vọng. “Tôi biết mà, thứ ấy làm đàn ông  hèn kém”.
Bà Rubnerová đặt kim chỉ lên đùi và chăm chú nhìn chồng. “Franci,” bà nói vẻ thận trọng, “đã xảy ra chuyện gì khó chịu với ông hả?”
“À há,” Rubner thốt ra lời châm chọc. “Bà lại bắt đầu tra khảo tôi đấy hả? Tôi xin bà, bà đừng nghĩ bà đánh lừa được tôi nhé! Holenkô, một khi người ta nhìn thấy hết đây toàn là những lời giả dối; một khi nhận ra rằng, có ai đó đã đẩy gánh nặng này lên vai người khác chỉ vì cái ham muốn vật chất của mình … và chỉ vì nhục dục. Tởm lợm quá,”Rubner hét lên, “sốc quá!”. Bà Rubnerová lắc đầu và muốn nói gì đó; nhưng rồi  lại cắn môi và nhanh chóng ngồi khâu; lại im lặng.
“Ở đây trông như…”  Rubner suỵt miệng và ngó nghiêng vẻ khó chịu. “Lộn xộn hết chỗ nói – Cứ như bị tai nạn không bằng, hãy xem trật tự và sự chính xác ở đây; nhưng còn những việc lớn – Những cái dẻ lau này ở đây để làm gì thế?”
“Tôi sửa áo sơ mi cho ông,” bà Rubnerová đã phải tự kiềm chế đến nghẹn lời trong cổ họng.
“Bà sửa áo sơ mi”  Rubner cười khẩy; “ra thế đấy, bà sửa áo sơ mi! Phải hiểu là, cả thế giới này phải biết chuyện này, đúng thế không? Cả nửa ngày phải nói mỗi chuyện có người đang sửa áo sơ mi! Quá nhiều lời và quá hệ trọng đấy! Thế bà nghĩ là, vì thế mà bà có thể lên mặt với thằng tôi này ư? Hứ, thôi đi nhé!’
“Franci này” bà Rubnerová thở dài kinh ngạc, “tôi đã có gì không phải với ông chăng?”
“Làm sao tôi biết được?” Rubner nói cụt lủn…”Tôi không biết bà đã làm gì; Tôi không biết bà nghĩ gì và đang dấu diếm cái gì; tôi chẳng biết gì về bà hết, hoàn toàn không biết gì, bởi vì bà che dấu quá giỏi! Tôi cũng chẳng biết cái cóc khô gì về quá khứ của bà!”
“Sao ông dám”, bà Rubnerová nổi xung lên, “hãy dừng tất cả cái chuyện vớ vẩn này đi! Nếu ông còn dám nói thêm gì nữa – “Với tất cả sự kìm nén, bà đã tự kiềm chế.

“Ông ơi,” bà nói với vẻ kinh hoàng “ông làm sao thế?”
“À há,” Rubner tuyên bố với vẻ chiến thắng, “chúng ta thấy rồi đó! Làm gì bà phải hoảng sợ thế? Chả lẽ đã phơi bày ra cả sao, có cái gì làm nguy hại đến cái vẻ tử tế của bà, hé? Chúng ta biết mà; thứ ấy và cả những thứ  tiện nghi tìm được cơ hội  dẫn đến sự phiêu lưu mạo hiểm, phải không nào?”
Bà Rubnerová  ngồi im như hóa đá. “Ông ơi,”  bà thốt lên và ứa nước mắt, “ông có gì chống tôi… thế thì, trời ơi là trời, ông cứ nói toẹt ra xem nào!”
“Chẳng có gì hết,” Rubner lên giọng hết sức mỉa mai, “làm gì có chuyện đó, tôi chẳng có quái gì phải chống lại bà! Đương nhiên là chẳng có gì hết, nếu người ta có bà vợ không có kỷ cương, không có phẩm hạnh, thô lỗ, phóng đãng, và cực kỳ lẳng lơ! Thêm vào đó còn thuộc đẳng cấp thấp nữa“.
Bà Rubnerová rít lên và đứng dậy, quẳng cuộn chỉ xuống đất.
“Thôi đi,” ông chồng quát bà với vẻ coi thường, “đây mới thật là sự bạo hành hèn hạ nhất đấy, thứ bạo hành bằng nước mắt!”
Nhưng bà Rubnerová đã chẳng thèm nghe nữa, bởi vì sự nghẹn thở với tiếng khóc nghẹn ngào đã làm bà đổ vật xuống giường.
Rubner cười lớn vẻ thê thảm và dúi đầu vào cửa. “Đâm dao vào sau lưng,” ông hét lên, “nhưng bà còn chưa biết cách đâu; nhưng mà có vẻ bà rất thích hợp cho việc đó đấy!”

Thế rồi Rubner lặn một mạch ở quán rượu quen. “Ở đây tôi vừa đọc báo của ông,” ông Plečka đon đả chào, nhìn qua cặp kính, ”ca ngợi cái tay thày bói xem nét chữ Jensen, có gì hay ho không hả ngài biên tập?”
“Có đấy, và nhiều là đằng khác,” ông Rubner đáp. “Thế đấy, này ông cho tôi món sốt sườn nướng chẳng hạn, nhưng đừng có quá cứng đấy. Ông nghe này, đây là một hiện tượng đấy, cái tay Jensen ấy; tôi vừa mới gặp hắn tối qua. Tay này phân tích nét chữ hoàn toàn khoa học.”
“Đấy chỉ là trò bịp bợm thôi,” ông Plečka khẳng định. “Ông này, cái gì tôi cũng tin hết trừ cái khoa học nhà ông  ra. Thứ mà ông có như vitamin vậy; nếu như chẳng có vitamin nào hết thì ít ra người ta cũng phải nên biết ăn gì; và cho đến giờ ông cũng không biết là bây giờ ông có trong thứ sốt sườn nướng này những yếu tố cuộc sống nào còn chưa được khoa học nghiên cứu. Eo ơi, kỳ bí khiếp,” ông Plečka nói với vẻ bực bội.
“Đây là chuyện khác,” Rubner tuyên bố. “ông Plečka, có lẽ tôi phải giải thích cho ông biết phép đo tâm lý,  chủ nghĩa tự động, các ký tự sơ cấp và thứ cấp  và những thứ đại loại như thế là gì. Nhưng tôi muốn nói cho ông biết là con người này đọc nét chữ cứ y như là đọc sách vậy. Và con người này sẽ hoàn toàn chinh phục được ông cứ như thể ông nhìn thấy anh ta ngay trước mắt mình; hắn sẽ nói cho ông biết, thế là thế nào, có quá khứ ra sao, đang nghĩ gì, đang che dấu gì, nghĩa là mọi thứ! Tôi cũng ở đó đấy ông ạ!”
“Thôi nào,” ông Plečka lầm bầm với vẻ hoài nghi.
“Vậy tôi kể cho ông một ví dụ,” ông Rubner bắt đầu kể. “Có một ông – tôi sẽ không nêu tên ông ấy đâu, nhưng là người rất nổi tiếng – đã đưa cho cái tay Jensen này bản viết tay của bà vợ mình. Và cái tay Jensen này xem chữ viết này và bắt đầu phán: Người đàn bà này là người dối trá từ đầu đến chân, lôi thôi, nhục dục và hời hợt, lười nhác, phóng đãng, ba hoa chích chòe, bỏ bê việc nhà, có quá khứ tồi tệ và còn có ý đồ giết chồng nữa! Ông hãy thử tưởng tượng xem, cái tay này làm ông sợ tưởng chết, bởi vì tất cả đều đúng sự thật. Chỉ lấy chuyện này thôi nhé, ông ta đã sống hạnh phúc với bà ta suốt hai mươi năm trời mà không để ý quan sát gì hết! Suốt hai mươi năm là vợ chồng mà không biết bằng phần mười về bà vợ mình bằng cái tay Jensen mới chỉ bằng cái nhìn nét chữ viết lần đầu tiên! Đây chính là tầm cỡ, phải thế không? Ông Plečka này, cả ông cũng nên thử kiểm nghiệm xem sao đi!”

“Tôi thấy lạ,” ông Plečka cất lời, ”rõ là cái thằng đần, là chồng mà chung sống suốt hai mươi năm lại không hề hiểu gì về vợ mình”.
“Thôi, xin ông,” ông Rubner vội vàng nói, khi mà mụ ta che dấu quá giỏi, còn người chồng thấy hoàn toàn hạnh phúc bên cạnh ả ta – Con người hạnh phúc như thế chẳng có mắt đâu. Và sau hết, ông biết đấy, chính vì ông ta không có các phương pháp khoa học và chính xác. Thế này ông nhé: chỉ bằng mắt thôi ông  cứ tưởng nó là trắng, nhưng dưới con mắt khoa học nó lại có tất cả các mầu. Kinh nghiệm ư, thưa ông, chẳng có nghĩa lý quái gì hết; con người ngày nay chỉ tin vào các phương pháp chính xác. Ông chớ lấy làm ngạc nhiên rằng cái người vừa nói ở trên chẳng có chút linh cảm gì, ở nhà có thứ quái quỷ nào, đơn giản là ông ta không có được phương pháp khoa học, chuyện là thế”.
“Thế bây giờ ông ta tính chuyện ly dị với bà vợ?” ông chủ tiệm Jančík xen vào câu chuyện.
“Cái đó thì tôi không rõ,” Rubner nói với vẻ thờ ơ, ”tôi chẳng hơi đâu quan tâm đến điều ngu ngốc ấy làm gì. Tôi chỉ quan tâm đọc được nét chữ thế nào mà đến giờ chẳng ai hay biết gì hết thôi. Ông thử nghĩ xem, rằng ông biết người ấy đã nhiều năm, thấy người ấy là người tử tế và tốt bụng, và bỗng dưng đánh đùng một cái, từ nét chữ của người đó cho ông biết đó là kẻ trộm hay là kẻ vô lại thâm hiểm. Thưa quý ngài, người ta không được phép nhẹ dạ cả tin như thế; chỉ khi bằng phép phân tích khoa học như vậy mới cho thấy thực hư là gì!”
“Nhưng, nhưng mà,” ông Plečka lộ vẻ ngạc nhiên bứt rứt, “thế người ta có mà sợ mỗi khi phải viết để gửi cho ai đó”.
“Đúng thế đấy,” ông Rubner tán thưởng. “Ông thử hình dung xem, cái môn khoa học đoán nét chữ này có ý nghĩa thế nào, ví dụ cho khoa học hình sự chẳng hạn. Ông à, người ta có thể sẽ nhằm vào cái người trước khi  kẻ này ăn cắp thứ gì đó; nét chữ của hắn đã tiết lộ rằng hắn này có đặc điểm trộm cắp thứ cấp, và a lê hấp tống hắn vào hỏa lò Pankrác! Điều đó có tương lai to khủng khiếp. Như tôi đã nói với ông, đó là một khoa học hoàn chỉnh, không có tí tẹo gì phải nghi ngờ nữa”. Rubner liếc nhìn đồng hồ. “Ờ, đã mười giờ rồi, tôi phải về nhà thôi”.
“Sao hôm nay lại chuồn sớm thế?” ông Plečka lầm bầm.
“Nhưng ông biết đấy,” Rubner đáp giọng nhỏ nhẹ, “vợ tôi rất có thể lại cằn nhằn, rằng tôi lại để bà ấy ở nhà một mình”.

Hà Nội, 8 tháng Hai 2016 – Ngô Khánh Vân chuyển ngữ.

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này