Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Nhớ về đất nước và con người Séc. (25/12/2015)

Cách đây hơn 50 năm, chúng tôi lên tàu sang Tiệp Khắc, một nước bạn trong phe XHCN học tập để sau này về xây dựng đất nước. Chúng tôi là những lưu học sinh tuổi đời còn rất trẻ sang một đất nước vừa xa vừa lạ. Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa cầm súng ra mặt trận thì chúng tôi lại đến một nơi bình yên và có mức sống rất cao. Chúng tôi ý thức rất rõ nhiệm vụ của mình và không bao giờ sao nhãng, chúng tôi được tin tưởng, được ưu ái, phía sau chúng tôi là Tổ quốc và dân tộc Việt Nam yêu thương. Tổ quốc và dân tộc đã không thất vọng về chúng tôi.

Sau bao thăng trầm và một khoảng thời gian dài đã lui vào dĩ vãng, và giờ nhìn lại quãng thời gian ấy chúng tôi không thể nào quên những kỷ niệm và những ấn tượng vô cùng đẹp đẽ về đất nước và con người Tiệp khắc - thời chúng tôi sống và học tập ở đất nước thân thương ấy. Đất nước hiền hòa, những con người tử tế và tốt bụng. Chúng tôi học được nhiều thứ, chúng tôi cảm nhận được nhiều điều và chúng tôi cũng dần hiểu về đất nước - con người - văn hóa - tập quán nơi ấy tường tận hơn, sâu sắc hơn. Trở về đất nước mình, chúng tôi vẫn nhớ về nơi ấy. Chúng tôi đa phần là dân học kỹ thuật và công nghệ, không có nhiều cơ hội cũng như thời gian cảm nhận và đi vào thế giới văn học của đất nước Tiệp Khắc. Chúng tôi học tiếng ở một trung tâm dạy tiếng Séc của trường đại học 17 tháng 11 ở thành phố Teplice - một thành phố ở miền bắc của CH Séc, phố Čapková nhà số 18. Chúng tôi ở internat (nội trú), ngày học tiếng Séc hai buổi, chỉ phải đi bộ đến trường, các thầy cô và những người phục vụ ở đây coi chúng tôi như con cháu họ, chăm chút chúng tôi từng li từng tí. Tên phố gợi cho chúng tôi sự tò mò. Capek là ai? Ông là nhân vật gì mà tên ông được đặt tên cho phố này?

Chúng tôi chỉ được giải thích sơ qua đó là một nhà văn Séc rất nổi tiếng. Thời gian trôi đi như bay - người Séc hay nói thế, chúng tôi phải về trường đại học để học chuyên môn và bị cuốn vào các kỳ thi triền miên trong năm năm trời, chẳng còn thời gian đâu mà đọc văn đọc thơ.

Thế rồi chúng tôi làm luận văn tốt nghiệp - bảo vệ trước hội đồng thi quốc gia - nhận bằng tốt nghiệp, đi thực tập nửa năm rồi lên tàu về nước. Bây giờ Séc cũng đã khác xưa nhiều, ấy là chúng tôi nghe và đọc thế, người Việt sang Séc đông hơn và thành một dân tộc thiểu số của Séc. Có Internet nên khoảng cách đã bớt xa đi rất nhiều. Nếu đi tầu hỏa qua Trung Quốc rồi Mông Cổ và qua Nga thì phải mất nửa tháng mới đến được Séc. Giờ đi máy bay từ Nội bài đến Praha chỉ còn mất mười bốn tiếng đồng hồ. Tôi và anh bạn ở Praha viết thư email gửi cho nhau chỉ trong tích tắc - Internet thật là kỳ diệu!

Không phải ai trong số chúng tôi cũng có điều kiện và cơ hội quay lại Séc để nhớ lại những kỷ niệm một thời. Nhưng nhờ có Internet, chúng tôi vẫn có thể đi du lịch bằng Google Map trên thế giới ảo, cũng thú vị đáo để, chúng tôi dễ dàng thăm lại Teplice, Poděbrady, Praha, Brno,Plzeň, Karlovy Vary, Ostrava, České Budějovice…cứ như ngồi trên xe taxi xem phố vậy.

Vào các trang Web của khoa cũ, trường cũ thì chao ôi, thầy cũ đâu hết rồi, may ra mới thấy một thày cũ, còn thì chỉ toàn thấy những khuôn mặt mới toanh!

Ồ cứ tưởng mình còn trẻ, nhầm to rồi, chúng tôi trẻ nhất thì cũng đã sang tuổi 60, 65 và còn hơn thế.

“Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, vậy chúng tôi cũng chẳng lâu nữa sẽ thuộc loại “xưa nay hiếm”.

Chuyện đâu có đó “tôi đưa bà về bên kia sông Đuống”*, buồn làm chi! Chúng tôi đã nên ông nên bà cả rồi. Thời cấm yêu, trong số chúng tôi cũng có những đôi đã nên duyên khi trở về Việt Nam.

Có anh bạn học cũ, bây giờ đang ở Praha theo con đường văn chương và làm từ điển, theo nghề viết lách có làm câu thơ chế:

          “Năm mươi năm trước em mười bảy

           Anh mới đôi mươi trẻ nhất đồi” **

Vì rằng chúng tôi vốn là dân ČVUT Praha ở kolej trên đồi Strahov ở Praha 6.

Thuộc lứa chúng tôi và các lứa lưu học sinh sau này lần lượt tổ chức gặp mặt kỷ niệm 50, 45, 40, rồi 30 năm năm sang du học tại Tiệp Khắc, thật hiếm hoi và cũng thật cảm động, tóc đã bạc, da đã mồi gặp nhau tay bắt mặt mừng, bồi hồi nhớ lại chuyện ngày xưa! Trong lần gặp gỡ hiếm hoi ấy tôi có nghe anh Bùi Đức Lại (đồng tác giả từ điển Česko-Vietnamský slovník – Praha 1969)  kể câu truyện ngắn của Karel Čapek “Modrá Chryzantéma  - Hoa cúc xanh”. Thật thú vị, xúc động, giàu tính nhân văn, mô tiv khác lạ. Do hiếu kỳ, tôi kiếm cho bằng được trên Internet để đọc truyện ngắn này bằng nguyên bản tiếng Séc và sẽ chia sẻ với các bạn vào một dịp sau. Hy vọng các bạn cũng sẽ yêu các tác phẩm của Karel Čapek và vẫn nhớ về đất nước và con người Séc với tình cảm sâu lắng và biết ơn. Các bạn cũng sẽ rõ hơn xuất xứ của từ “robot” từ đâu mà có.

Hà nội, viết đêm Giáng sinh 2015. Ngô Khánh Vân.

Chú thích:

*”Em ơi! Buồn làm chi                                             

    Anh đưa em về bên kia sông Đuống” trong bài thơ ”Bên kia sông Đuống“ của Hoàng Cầm.

** “Bảy năm về trước em mười bảy

       Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng” trong bài thơ “Núi Đôi” của Vũ Cao.

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này