Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Cộng Đồng viết
Lâm Quang Mỹ - Nhà thơ của hội nhập (13/04/2015)

Với cộng đồng người Việt, chúng tôi gọi anh là "Nhà thơ của Hội nhập", bởi vì bằng những công việc anh đã làm lặng lẽ và khiêm nhường trong lĩnh vực văn học, văn hóa, cùng với những hoạt động khác của cộng đồng, khoảng cách giữa chúng tôi và bè bạn Ba Lan đã và sẽ ngày càng được rút ngắn lại.

"Có một bầu trời trong giọt nước"

 (Nhà văn Nga Gavrin Trioponsky)

Một chiều Chủ nhật đẹp trời trung tuần tháng Sáu, ba "nghệ sĩ du ca" chúng tôi cùng nhà thơ Lâm Quang Mỹ đến tham gia buổi sinh hoạt thơ tại Nhà văn hóa quận Luomanki, phía bắc thủ đô Warszawa, theo lời mời của Chi hội nhà văn Warszawa, đơn vị đứng ra tổ chức.

Nhà văn hóa quận Luomanki nằm trong một khuôn viên rất đẹp, rộng rãi, thoáng mát và yên tĩnh. Đây là Khu liên hợp thể thao văn hóa hoành tráng được xây dựng vài năm nay, do Liên minh Châu Âu tài trợ. Khu liên hợp được thiết kế theo phong cách rất ấn tượng, vừa mang tính nghệ thuật vừa có những nét đăc trưng của kiến trúc thế kỷ 21. Hội trường Nhà văn hóa rộng như một giảng đường đại học, vừa là nơi có thể thuyết trình, vừa có thể là nơi biểu diễn nghệ thuật , trong đó có sân khấu với đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng, máy chiếu phim… cực kỳ hiện đại.

Buổi sinh hoạt thơ diễn ra thường kỳ ở đây, nhưng lần này có một nội dung đặc biệt: Giới thiệu thơ ca Việt Nam, với tiêu đề rất thi vị và ấn tượng: "Dưới mái nhà Lomianki”. Dưới một mái nhà, quả đúng như vậy, ngay từ giây phút đầu tiên, họ đón tiếp chúng tôi như những người anh em. Những nụ cười thân thiện, những cái bắt tay nắm chặt, những cử chỉ xởi lởi, vồn vã… trong một không khí vô cùng gần gũi và ấm cúng.

Chủ trì buổi sinh hoạt thơ là một "nhân vật" khá quan trọng, nhà thơ Milosz  Manasterski, Ủy viên chấp hành Hội Nhà văn Ba Lan và là Tổng biên tập báo điện tử của Hội. Anh còn trẻ, tướng thể thao bóng chày hơn là thi sĩ, tuy vậy khi vào cuộc, con người anh lại toát lên một dáng vẻ rất văn chương, nhẹ nhàng, tươi tắn và lịch lãm. Cách tổ chức, điều khiển chương trình của anh cũng mang nét đặc thù thi ca: Giản dị, tự nhiên, đại chúng. Khán phòng không có dãy bàn dành riêng cho đại biểu, ai muốn ngồi đâu thì ngồi. Không có mục giới thiệu dài dòng, khiến khán giả phải vỗ đến mỏi tay, cũng không có phần giới thiệu những đơn vị cá nhân tặng hoa... Bởi vậy khách đến dự thấy tự do thoải mái, không phải gồng lên bởi những lễ nghi, thủ tục quá rườm rà.

Mở đầu chương trình là phần giới thiệu Thơ ca Việt Nam của nhà thơ Lâm Quang Mỹ. Anh người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, thoáng nhìn giống một nhành tre, mỏng manh gầy guộc nhưng cứng cỏi, dẻo dai. Anh đọc và giới thiệu những bài thơ trong tác phẩm dịch sang tiếng Ba Lan của anh "Tuyển thơ Việt nam Thế kỷ Xl- XVlll", Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Qua Đèo Ngang (Bà huyện Thanh Quan), trích đoạn Chinh phụ ngâm (Đoàn Thị Điểm), trích đoạn Truyện Kiều (Nguyến Du)… Không biết, kể từ lần đầu tập thơ tuyển chọn ra mắt ngày 27/6/2010 đến nay, đã có biết bao nhiêu buổi anh nhiệt tình đam mê  như thế để giới thiệu và quảng bá với bạn đọc Ba Lan những tinh hoa của thơ ca cổ điển của nước nhà và thế là, giữa xứ sở tuyết trắng, bạch dương của quê hương Sopin, bản Tuyên ngôn độc lập bằng thơ đầy hào khí, những thi phẩm mang đậm bản sắc Việt, mang đậm tâm hồn Việt, những "Mảnh tình riêng ta với ta", những "Cảo thơm lần giở trước đèn" lại được hơn một lần vang lên rất đỗi tha thiết, tự hào:

"Núi sông nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Lũ giặc cớ sao sang xâm phạm

Rồi bay sẽ bị đánh tơi bời".

Bạn bè Ba Lan lắng nghe và đánh giá cao những bài thơ cổ điển Việt Nam được nhà thơ Lâm Quang Mỹ phiên dịch, chuyển tải rất chuẩn mực và tinh tế. Điều đó, không phải chỉ do giá trị nghệ thuật mang lại, mà còn bởi những nhịp đập chung vể cảm xúc, mối đồng cảm về tư tưởng mà họ cảm nhận được qua từng tác phẩm như lòng yêu nước, yêu hòa bình, tinh thần quý chuộng độc lập tự do, tính nhân văn, nhân bản… Chưa hết, bạn bè Ba Lan còn ngạc nhiên thích thú khi nghe anh hát thơ của anh bằng làn điệu Quan họ Bắc Ninh và Hát dặm Nghệ Tĩnh, một cách thức diễn xướng đầy sáng tạo, ngọt ngào da diết chẳng kém gì liền chị liền anh ở đất Hội Lim, Đình Bảng.

Tuy nhiên điều đáng ghi nhận ở đây là tâm huyết của anh đối với việc truyền bá thơ ca Viêt Nam ra nước ngoài. Sứ mệnh ấy, không ai trao cho anh, ngoài tình yêu quê hương, niềm quý trọng nền văn hóa cội nguồn, hòa với niềm đam mê con đường thơ ca mà anh đã chọn. Đó cũng chính là sứ mệnh của người cầm bút, một khi đã đặt nhịp đập trái tim mình vào mạch đập chung của  dân tộc, một khi đã mang trong mình nỗi khát khao và niềm tự hào được mang giá trị Việt ra khắp bốn bể năm châu.

Kết thúc phần đọc và bình thơ của nhà thơ Lâm Quang Mỹ, cả hội trường rào rào tiếng vỗ tay, nhiều đại biểu trong khán phòng còn đứng lên giao lưu, phỏng vấn anh, không chỉ những vấn đề liên quan đến học thuật, nghệ thuật như niêm luật thơ Đường, thể thơ Thất ngôn bát cú, thể thơ Tứ tuyệt…, mà cả những chuyện rất đỗi bình thường như: Phát âm tiếng Việt từ "Đèo Ngang" thế nào, tiếng Việt: "Chào nhau" nói ra sao, tại sao thơ cổ điển Việt Nam lại sáng tác bằng chữ Hán và những khó khăn gì anh vấp phải khi dịch sang tiến Ba Lan…Điều đó chứng tỏ sự quan tâm cũng như thái độ trân trọng của họ đối nền văn học của chúng ta đến mức nào. Chỉ tiếc rằng, sự quan tâm ấy, thái độ trân trọng ấy, ít được cộng đồng chúng ta biết tới và ghi nhận, khi mà một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa "Hội nhập" như vậy, nhìn quanh không có lấy một vị đại biểu, đại diện nào của các tổ chức cộng đồng.

Phần tiếp theo của chương trình, nhà thơ Lâm Quang Mỹ đóng luôn vài trò của "bầu sô" ca  nhạc để minh họa phần thơ ca và cũng là một dịp quảng bá văn hóa Việt. Cứ xem những khâu liên hệ chuẩn bị, lên kịch bản  chương trình, hối thúc anh em "Nghệ sĩ" tập dượt, đủ thấy anh là người chu đáo, tỏ ra có nghề và biết gu của dân sở tại . Tiết mục biểu diễn không nhiều do thời gian có hạn, nhưng với kịch bản hợp lý và sự luyện tập công phu của "Ba nghệ sĩ du ca" đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp: Ngâm thơ "Nam quốc sơn hà", song ca "Lá cỏ" (Thơ Lâm Quang Mỹ, nhạc Bùi Hùng) do Bùi Hùng, Thanh Sơn thể hiện, đơn ca "Vẩn vơ" (Thơ Lâm Quang Mỹ, nhạc Thanh Sơn) do Thanh Sơn tự biên tự diễn. Đặc biệt  tiết mục đàn bầu do nghệ sĩ "Vinh Trống" độc tấu đã gây bất ngờ cho cả khán phòng. "Vinh Trống" xưa nay vốn quen tận dụng cơ bắp để nện thật lực đến muốn vỡ tang trống cho những nhịp khúc Cách mạng hùng tráng, giờ ngồi dịu dàng nắn nót bên sợi dây đàn mỏng manh với những âm điệu nhẹ nhàng, lả lướt của nhạc khúc "Bên ven bờ Hiền Lương" hay những bản nhạc dân ca hai nước, trông anh hài hước, giống một võ sĩ từng chơi đấm bốc, giờ đang phải ngồi chăm chút một đàn gà con mới nở. Lại những tràng mưa rào pháo tay nổi lên. Nhiều người còn xuống tận nơi nhòm ngón gẩy của anh để giải tỏa thắc mắc, tại sao chỉ có một sợi dây mà tạo ra được nhiều âm điệu du dương đến thế. Có người còn năn nỉ nhờ anh hướng dẫn cách gẩy, cách uốn cần đàn, cách rung âm. Vinh Trống được phen hoảng hồn vì quả thực anh cũng chỉ mới phải lòng cô nàng Độc huyền cầm này chưa được bao lâu.

Kết thúc chương trình là phần thi một bài thơ tự sáng tác của các nhà thơ Quận Luomanki. Họ thuộc đủ tầng lớp và đủ mọi lứa tuổi, có người ngoài sáu mươi, có cả những nhà thơ trẻ ở tuổi vị thành niên. Họ rất say sưa và đam mê bởi vì đây là dịp họ được bày tỏ một cách tự nhiên thoải mái những suy nghĩ, cảm xúc riêng tư của mình về cuộc sống, về tình yêu, về thiên nhiên… Nhà thơ Lâm Quang Mỹ được mời tham gia trong ban giám khảo ba người. Thật thú vị, một nhà thơ "Ta" được mời lên ngồi chấm thơ "Tây". Quả là hãn hữu, dù biết rằng anh là Hội viên của cả hai Hội nhà văn Việt Nam và Ba Lan, nhưng phải có một uy tín cao trong làng thơ Ba Lan, đặc biệt là tài thơ và năng lực thẩm định thi ca thì mới có được một vị trí quan trọng và đáng tin cậy như thế. Thấy người mà buồn ngẫm đến ta, cộng đồng mình với không ít nhà thơ có tài, không ít hồn thơ chói sáng, không thiếu những người hiểu biết chuyên môn, nhưng chúng ta đã có được bao nhiêu cuộc thi thơ nghiêm túc và trang trọng như thế? Câu trả lời… dành cho các vị trong Hội thơ cùng Ban văn hóa cộng đồng.

Không nói nhưng ai cũng biết, buổi giới thiệu thơ ca Việt Nam của nhà thơ Lâm Quang Mỹ hôm đó đã để lại tiếng vang và những ấn tượng tuyệt vời trong lòng bè bạn. Chẳng thế, sau những cái lắc lắc bắt tay phút tạm biệt, là những lời hẹn hò đầy mong đợi "Thật tuyệt vời, hẹn gặp lại nhé… gặp lại nhé…”.

Riêng đối với chúng tôi, điều ghi nhận và sự kính phục lại là dành cho nhà thơ Lâm Quang Mỹ. Có đi mới biết, có thử mới hay, có đến dự những buổi  như vậy mới thấy tài năng, tâm huyết và niềm đam mê không bờ bến  của anh đối với những hoạt động thơ ca trên đất bạn. Được biết tại Ba Lan, có đến hàng trăm buổi thơ mà anh tham gia như thế và nếu tính cả những Mùa thu thơ, những Hội thơ, những buổi giao lưu tọa đàm văn học của Hội nhà văn Ba Lan..., số buối anh tham gia cũng dễ đến ngót nghét... một ngàn. Một con số thật ấn tượng. Gần ngàn cuộc "Hành hương” vào Thánh Địa Thi Ca, Người thơ Lâm Quang Mỹ, Anh hát rong, Gã gieo hạt trên cánh đồng thơ, cứ một mình lầm lũi, bên tay nải, bên túi thơ lang thang trên khắp nẻo đường xứ người như một kẻ mộng du, chỉ mong mang những tên tuổi của nền văn học nước nhà, mang những  hồn Việt ngàn đời được tinh đúc trong thi ca dân tộc gắn vào bức tranh chung của nền văn học nhân loại.

Có ai đó đã nói thế này: Thơ ca, giống như con chim, chỉ khi được hót trên bầu trời bao la, không giới hạn của cuộc sống và những xúc cảm, tiếng hót ấy mới trong trẻo, bay bổng và hồn nhiên. Nhà thơ Lâm Quang Mỹ đã tìm thấy thực sự bầu trời cho cánh chim thi ca của mình. Với văn học Ba Lan, nhà thơ Lâm Quang Mỹ  là một vị sứ giả. Với cộng đồng người Việt, chúng tôi gọi anh là "Nhà thơ của Hội nhập", bởi vì bằng những công việc anh đã làm lặng lẽ và khiêm nhường trong lĩnh vực văn học, văn hóa, cùng với những hoạt động khác của cộng đồng, khoảng cách giữa chúng tôi và bè bạn Ba Lan đã và sẽ ngày càng được rút ngắn lại. Chúng tôi cảm ơn và trân trọng việc làm cao cả của anh, tuy chỉ là những "Tiếng sỏi rơi trong lòng giếng cạn…" (Thơ Văn Cao) nhưng cũng đủ để thấy được trong giọt nước có cả một… bầu trời.

Warszawa, 01/ 2015

Bùi Hùng (quehuongonline)

Tin mới:
Nghĩ về mẹ(08/03/2024)
Sa lưới(06/03/2024)
Gặp cộng đồng người Việt ở Praha(16/02/2024)
Quảng Ninh quê hương tôi(19/11/2023)
Một thoáng chiều thu(01/11/2023)
Chiều nắng hạ(12/07/2023)
Vương trong sương mù(21/06/2023)
Nàng Thơ(31/03/2023)
Vành khăn tang trắng(15/03/2023)
Khúc hát Xuân(24/02/2023)
Các tin khác:
Ngủ đi em (15/02/2023)
Tình yêu Giáng Sinh(24/12/2022)
Giấc mơ hồng(01/12/2022)
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt hồi ký "Trăm năm cũng từ đây"(19/11/2022)
Lãng du Thu(04/11/2022)
Bước vào thu(28/09/2022)
Tôi và duyên nợ với văn học Ba Lan(23/09/2022)
Mùa Thu Hà Nội (22/09/2022)
Mùa Lá rụng(22/09/2022)
Hạnh phúc bình dị(22/09/2022)
Bài thơ tặng Mẹ (Lễ Vu Lan)(26/08/2022)
Đi hồ Lipno (12/07/2022)
Nỗi niềm xa quê(06/05/2022)
Cảm xúc tháng Tư(07/04/2022)
Làm sao hiểu nổi được nhân gian(03/03/2022)
Vào Xuân(16/02/2022)
Xuân nhớ(09/02/2022)
Những nhành xuân(19/01/2022)
Ký ức tuổi thơ mãi đẹp(29/12/2021)
Giọt(26/12/2021)
Bên bờ kinh Tàu Hủ(24/12/2021)
Lùi xa để yêu quê hương hơn(24/12/2021)
Hoa tuyết(09/12/2021)
Giấc mơ hồng(19/11/2021)
Nhà thơ Trương Anh Tú: Cái đẹp sự sống mang đến hy vọng(02/11/2021)
Tạm biệt tháng Mười(02/11/2021)
Người con gái Nga - Kỳ 3(30/10/2021)
Chùm thơ Đặng Hữu Trung(30/10/2021)
Cái bóng(27/09/2021)
Bức thư của người mẹ trẻ(27/09/2021)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này