Tư vấn
   Gia đình  
   Công sở  
   Văn hóa Xã hội  
   Hỏi Đáp EET và Covid  
   Mẫu đơn  
   Địa chỉ công sở  
   Trương mục tra cứu  
Người Việt ở EU và TG
Hậu trường cảm động làm phim "Quyên" ở Berlin (26/11/2014)

Bài viết kể chuyện hậu trường làm phim "Quyên" với sự tham gia của bà con Việt kiều đang sinh sống và làm việc ở Berlin, Đức.

Tìm tuyết giữa mùa hè châu Âu

Khi tôi cùng tiến sỹ Trương Hồng Quang và nhà văn Nguyễn Văn Thọ giới thiệu tiểu thuyết “Quyên“ với bà con cộng đồng người Việt tại Berlin vào dịp cuối năm ngoái, có một tin làm nức lòng người có mặt, đấy là “Quyên“ sẽ được công ty BHD dựng thành phim nhựa cùng tên và bấm máy vào tháng 2/2014. Không nói ra lời, nhưng ai nấy đều chờ đợi cái thời khắc cuối đông, đầu xuân này để thấy Quyên được khởi quay tại Đức.

Mọi người quan tâm cũng phải. Chí ít, đây cũng là bộ phim truyện đầu tiên nói về cuộc sống của người Việt tại Đức trong bối cảnh phức tạp nhất khi bức tường Berlin vừa sụp đổ với bao buồn vui hệ lụy, thậm chí, có cả máu và nước mắt. Người ta chờ đợi cũng đúng, vì háo hức muốn được nhìn thấy bóng dáng của chính mình trên phim “Quyên“ như người ta đã từng nhận ra một phần thân phận mình trong thân phận những nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Poster phim "Quyên"

Rồi, mùa đông nước Đức đầy băng tuyết qua đi. Đến thì xuân tới, cây cối, hoa lá thi nhau đâm chồi nảy lộc mà đoàn làm phim “Quyên“ vẫn “bặt vô âm tín“. Đã có tiếng xì xào, mấy “bố” này “chém” để bán sách, khiến đến tôi cũng phải ngại ngùng.

Tháng 6 năm nay, Berlin nóng hơn bình thường. Mặt trời chói chang đổ lửa, đứng giữa nắng châu Âu mà như đứng trong lò bát quái. Vô tình, dịp này nhà văn Nguyễn Văn Thọ có công việc qua Đức và tá túc tại nhà tôi. Một sáng vừa thức dậy, bác bảo, đoàn làm phim Quyên sang Berlin đấy, đang ngồi quán Thành koch. Chắc tôi mừng hơn bác Thọ, lật đật lấy xe chở bác đi mà lòng vẫn bán tín, bán nghi.

Khi gặp tận mặt cả đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, quay phim Nguyễn Tranh và mấy anh, em trong đoàn, mới tin là thật. Tôi tranh thủ hỏi ngay, cách hỏi của người chẳng biết gì về nghề: Phim quay đến đâu rồi? Cả đoàn cười. Quay gì đâu anh, bọn tôi đi tìm tuyết. Trời đất, giữa mùa hè nắng lửa này mà có tuyết ư? Thì bọn tôi vừa từ đó về. Cũng ngay tại Đức thôi. Đấy là vùng Garmisch – Partenkirchen sát biên giới Áo. Thị trấn này tọa lạc ngay sát ngọn núi cao nhất nước Đức, Zugspitze cao 2.743 km. Rồi cho xem ảnh.

Quả nhiên, cơ man là tuyết, rừng núi, thung lũng ngập tràn tuyết phủ. Cái khó nhất của phim Quyên là cảnh có tuyết. Tuyết tự nhiên rơi ở Berlin cả năm cũng chỉ một, hai tháng. Có năm tuyết ngập trời, có năm trẻ con chờ tuyết rơi để đi ném tuyết, trượt tuyết đến mỏi mắt, mà thi thoảng tuyết mới rơi, mỏng mảnh, dè sẻn như nhà hiếm muộn.

Anh tính xem, đạo diễn chia sẻ, mang đoàn làm phim sang đây cả 4-5 chục người mà cứ nằm thụ động chờ tuyết để bấm máy thì bao nhiêu tiền đổ vào cho xuể. Cho nên, tìm được tuyết coi như công việc chuẩn bị xong một nửa. Đoàn làm phim sẽ trở lại đây để bấm máy trong vài tháng tới.

Tôi chụp vội mấy cái ảnh cùng đoàn. Chiều đưa ngay lên Facebook và cứ nghĩ rằng, mình là người đầu tiên báo tin cho bà con cộng đồng biết phim Quyên chắc chắc sẽ được khởi quay vào thời gian tới. Còn hỉ hả thông báo lời hứa của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, khi phim hoàn tất, sẽ chiếu miễn phí cho bà con cộng đồng người Việt ở Đức vài buổi xem tại chính nơi thường diễn ra liên hoan phim quốc tế Berlin. Vui quá!

Tấm lòng của những người trong cuộc

Người đầu tiên giúp đoàn làm phim từ ngày ấy phải kể đến em Hoàng Yến Nguyễn Đỗ. Chính Yến đã chở đoàn làm phim khảo sát thực địa Berlin để tìm cảnh quay cho phim Quyên. Sau Yến là Phạm Mạnh Cường. Cường vốn học điện ảnh từ Việt Nam, sang Đức học thêm đại học điện ảnh, khoa âm thanh. Bố Cường là NSƯT Phạm Ngọc Lan, nhà quay phim có tiếng ở Việt Nam với những bộ phim “Mẹ vắng nhà“, “Khi đàn chim trở về“, “Ngọn đèn trong mơ“... đoạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Bản thân Cường cũng làm cho hãng phim Đức đến hơn hai chục năm. Không rõ là ai đã giới thiệu, nhưng đoàn làm phim đã gặp và nhờ Cường hỗ trợ. Đấy chắc chắn là một quyết định đúng của đoàn. Bởi Cường có nghề, lại thông thổ bản địa, thông thạo tiếng Đức và rành rọt thói quen làm việc của các đoàn làm phim tại Đức.

Cũng bởi sống lâu ở nước Đức, làm quen trong hãng Đức nên Cường có phong cách làm việc rất Đức, mẫn cán, trách nhiệm và bài bản. Ngay từ khi đoàn làm phim chưa sang đã thấy Cường lùng sục các hang cùng, ngõ hẻm của Berlin để tìm cảnh, tìm đạo cụ, dựa vào mối quen biết để tìm hãng của Đức làm dịch vụ cho đoàn, rồi tìm diễn viên quần chúng... đủ việc.

Diễn viên Trần Bảo Sơn trong một cảnh quay ở Berlin

Tìm ngoài đời chưa đủ, Cường còn đăng biết bao tin trên FB. Một mình làm không xuể thì nhờ bạn bè. Hồi đoàn làm phim chưa sang nhưng cộng đồng người Việt tại Đức đã xôn xao bởi các tin về phim Quyên được rất nhiều cá nhân, cả hội đoàn cập nhật, chia sẻ trên mạng.

Cái khó là phim Quyên tái hiện thân phận những người Việt ở Đức cách đây ít nhất cũng 25 năm, trước và ngay sau thời bức tường Berlin đổ, nên từ trang phục, bối cảnh đến tiền bạc đều là những thứ đã bị bỏ đi, bị quên lãng. Muốn tìm lại không dễ dàng gì. Cường phải gom góp từng cái quần bò, từng cái áo khoác, từng cái túi xách, từng đồng bạc lẻ, thậm chí, cả áo lót, quần sịp cho Quyên từ người bạn này, từ người quen khác - những người sống cùng thời với Quyên, na ná cảnh ngộ như Quyên.

Thấy Cường lắm việc, mỗi lần gặp thở ngắn, than dài tôi xung phong nhận tìm hộ diễn viên quần chúng. Anh tìm đâu ra? Cường nghi ngại hỏi. Thì cùng lắm bảo quân quán Thái Hà nhà anh ra đóng. Gọi thêm ông em Cường tóc dài nữa. Ừ, nghe ổn. Thế mà em không nghĩ ra. Hỏi trên mạng mấy hôm nay chả được ai. Mà này, em cần ít nhất 4 người đấy nhé, cho nhóm đóng bán thuốc và nhóm bắt cóc con Quyên.

Hứa là thế nhưng trong bụng tôi ít nhiều ngao ngán. Thứ nhất mọi người đang có công ăn việc làm đàng hoàng. Bỏ một buổi, mất thu nhập, trong khi đoàn làm phim nói sẽ trả catse chỉ mang tính tượng trưng. Chưa kể, mang tiếng đóng phim, tưởng vai gì oai phong, lẫm liệt hoá ra vai đứng đầu đường bán thuốc lậu, vai bắt cóc trẻ em. Toàn việc bất lương. Mặc dù để tồn tại đến thời điểm này, người Việt ở đây, rất nhiều người từng có thời bán thuốc lá lậu nơi góc phố, nhà ga, đã từng bị công an, phòng thuế truy đuổi, bị bắt, thậm chí ở tù. Đấy là thời vàng son cho giấc mơ kiếm tiền của nhiều người, nhưng cũng là giai đoạn lắm nỗi đắng cay, gian truân, nhục nhã cho không ít thân phận. Cho nên, chẳng ai muốn trở lại một lần nữa cái kiếp bán thuốc lá lậu, bị công an truy đuổi dù chỉ là vai diễn cho phim. Rồi để gia đình và người quen trực tiếp nhìn thấy hình ảnh đó, cũng chẳng hay ho gì.

Thôi đành quyết tâm thuyết phục vậy. Một mặt tôi lấy cớ làm anh, làm sếp ra trấn áp, một mặt mang tiếng tăm nhà văn Nguyễn Văn Thọ ra kêu gọi sự ủng hộ, mặt khác đem em Quyên xinh đẹp ra dụ dỗ. Bằng ba mũi giáo công cộng thêm sự thuyết phục, động viên của Phạm Mạnh Cường, 4 diễn viên nhà mình vui vẻ nhập cuộc. Đó là Cường tóc dài, Nam, Dân và Quang béo.

Cường tóc dài đã trung tuổi, đang là chủ một quán ăn nhỏ tại Berlin, người gầy gò, bé nhỏ nhưng khuôn mặt rất ấn tượng. Nam, thanh niên đẹp trai, đang là phụ bếp, có nhu cầu tìm bạn gái nên muốn đóng phim, thêm cơ hội quảng cáo hình ảnh. Dân, thằng cháu người Đà Nẵng, khỏe mạnh, cương trực, đang làm nhân viên vận chuyển cho một công ty vận tải của Đức. Quang, to, béo, đầu trọc lốc, nhìn như dân đao búa nhưng bản tính lại hiền lành, cởi mở hay giúp người. Ngay khi nhận được sự đồng ý tham gia của các diễn viên quần chúng, Phạm Mạnh Cường đến gặp từng người, phỏng vấn, chụp hình, gửi về trong nước cho đoàn và được đạo diễn chấp nhận.

Tối trước hôm quay, cả nhóm vào Đồng Xuân nghe đạo diễn phân vai và hướng dẫn chọn trang phục. Sáng hôm sau trời lạnh căm căm chỉ 5-7 độ, mới 7h30 anh em đã tề tựu đầy đủ trước cả giờ quy định. Và cứ thế vừa vật vờ chờ đợi, vừa vào vai diễn tới 14h mới xong. Thằng cháu Dân trẻ khỏe nhất cũng phải than: - Đóng phim cực hơn đi làm. Hoá ra đời cu ly bốc vác nhàn hơn khối nghề.

Mở đầu cảnh quay, Nam đóng cùng cặp diễn viên Trần Bảo Sơn vai Hùng và Hiếu Nguyễn vai Phi. Thằng cháu Dân đóng một cảnh bán thuốc lá trên S-Bahn, một cảnh cũng đóng cùng với Trần Bảo Sơn và Hiếu Nguyễn. Trần Bảo Sơn đã quả thành danh trong làng điện ảnh, còn Hiếu Nguyễn đang nổi như cồn với vai đại ca Hưng Mã trong phim hành động Hương Ga. Chạm vào tay hai gương mặt sáng giá này cũng đáng tự hào rồi. Riêng Cường tóc dài đóng ba cảnh, trong đó có hai cảnh cùng Quyên. Phó đạo diễn, lúc sáng hướng dẫn diễn xuất cho Cường cứ nhắc nhỏm: - Chú cố gắng nhé. Hôm nay chú là vai chính đấy.

Nói thật chứ chẳng đùa. Vai Cường đóng vừa phải diễn, vừa phải chạy vất vả nhất trong mấy diễn viên quần chúng ngày hôm ấy. Chưa kể, buổi sáng Cường đi đôi giầy Adidas vừa nhẹ, vừa hợp chân. Nhưng đạo diễn bảo không hợp với bối cảnh phim nên phải thay đôi giầy khác vừa to, vừa nặng, lúc chạy cứ lo ngã.

Cảnh đầu Cường vào vai một người đàn ông bán thuốc lá bị công an đuổi. Lúc chạy cầm cục tiền cả vốn, cả lãi trong tay. Vừa luống cuống vì sợ hãi, vừa muốn phi tang lỡ khi bị công an bắt, anh ta ném đại vào túi xách của một người phụ nữ bất chợt ôm con đi từ dưới cầu thang S-Bahn bước lên.

Vũ Ngọc Anh (vai Quyên) và anh Đinh Ngọc Cường vai một kẻ buôn thuốc lá lậu ở ga

Cảnh sau, chạy thoát khỏi sự truy đuổi của công an, Cường trong vai người bán thuốc lá quay lại nơi mình đã ném tiền với hy vọng mong manh. Nhà ga nườm nượp người lên xuống, biết đâu ai mà tìm? Người đàn ông đã luống tuổi, gầy gò trong bộ đồ màu xanh công nhân thẫn thờ ngồi xuống bậc cầu thang như mất hồn. Đang định dồn lấy ít tiền cuối tuần có người về gửi cho vợ để trả nốt số nợ khi sang, vậy mà... Có cục gì nghẹn đắng ứ lên cổ. Nợ đòi, một mình cô vợ với hai đứa con gái nhỏ ở nhà biết tính sao?

Bỗng có ai đập nhẹ vào vai. Người đàn ông ngước lên, không tin vào mắt mình. Cục tiền với tờ 100 DM bọc ngoài, buộc chặt bằng sợi chun đỏ trong tay người thiếu phụ trẻ đang chìa về phía anh. Người đàn ông cầm lại cục tiền của chính mình mà ngỡ ngàng. Anh cười như trong mơ, hai tay chắp vào nhau như vái ân nhân của mình. Người thiếu phụ lặng lẽ đưa trả cục tiền, lặng lẽ rời gót, không một lời nhưng ánh mắt dịu dàng như chứa đựng bao nỗi cảm thông, chia sẻ.

Người thiếu phụ đó là Quyên. Cô đang trên đường bế con chạy trốn, trên người không một mảnh giấy tờ, không tiền bạc và cũng không biết đi về đâu? Cô đang cần số tiền đó còn hơn cả người đã ném nó vào tay cô. Chí ít, vì sinh linh bé nhỏ mà cô đang ẵm trên tay. Nhưng lương tâm của người vốn lương thiện không cho phép, cô vẫn tìm đúng người để trả lại.

Dù cảnh Cường đóng sẽ hiện lên phim chỉ đôi phút nhưng cũng đầy đủ cung bực cảm xúc: Hốt hoảng, sợ hãi lúc chạy trốn, buồn rầu lúc mất tiền và vui mừng khi được trả lại. Chẳng riêng gì Cường mà các diễn viên nhà mình đều được đánh giá là đã hoàn tất tốt vai diễn, cũng có chút Catse động viên, lại rưng rưng cảm động vì được đóng cùng người nổi tiếng. Cho nên đến tận 2h chiều chưa được gì vào bụng mà mặt ai vẫn tươi rói. Riêng Nam cứ tiếc hùi hụi vì tưởng được đóng nhiều, hoá ra, được mỗi một cảnh. Được đóng nhiều hơn, hình ảnh của mình, biết đâu, lọt vào mắt ai đó?

Cũng tiếc, buổi chiều Quang béo vào vai bắt cóc con Quyên, vì bận nên tôi không có mặt để chụp hình đăng FB. Nhưng cứ hình dung, Quang một thằng béo nặng ngót tạ, đóng cả bộ củ sếch đen, đeo kính dâm to cũng đen xì, đã thấy sặc mùi Mafia rồi. Cho đi bắt cóc trẻ em là quá hợp.

Hôm sau gặp Quang, hỏi diễn thế nào? Nó cười tuềnh tuệch bảo, diễn gì đâu, chỉ bế đứa bé đóng vai con gái Quyên chạy, rồi ấn nó vào ô tô là xong. Chỉ khen cô bé diễn viên nhí, mới 3 tuổi mà đạo diễn bảo nói gì là nói, bảo diễn gì là diễn, y chang. Duy mỗi cảnh Quang bế nó chạy, thay vì phải khóc lóc, sợ hãi, con bé bị nhột hay thích chí khi được bế chạy nên cứ cười ngặt, cười nghẽo, phải quay đi, quay lại. Có người trong đoàn làm phim ghé tai bảo: Cấu cho nó một cái thật đau là khóc ngay, nhưng cháu không làm thế. Cháu yêu trẻ con, chú biết rồi.

Hôm đóng phim xong, mấy anh em, chú cháu vào Quán Thành Koch dùng tiền catse làm đĩa dê tái chanh chấm gừng với vài cốc bia, thấy đời lên tiên, lại mơ đến...Quyên. Mơ ngày Quyên trình chiếu sẽ thấy mặt mấy đứa nhà mình vốn lam lũ, vất vả nơi đất khách, bỗng dưng trong tích tắc trở thành diễn viên trong một bộ phim chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh cho người xem về chính thân phận của những người tham gia đóng nó, dù chỉ xuất hiện mờ nhạt, ít phút, ít giây trong vai quần chúng.

Bây giờ đoàn phim đã trở lại Việt Nam quê hương của chúng tôi, để làm tiếp phim rồi. Nhưng những dư âm của họ, những con người nghệ sĩ đã hết lòng xả thân vì nghệ thuật nước nhà và cũng chính vì sự chia sẻ lớn lao với bà con ở Đức, của một thời kì đầy bi kịch vẫn âm lên đâu đó, trong đời sống thường ngày của chúng tôi. Và tôi nhận ra rằng nghệ thuật khi nói tới quần chúng nhân dân hướng về nhân dân, nói lên được tâm hồn Việt, thì ở đâu cũng vậy, dù trong nước hay ngoài nước, đặc biệt với chúng tôi những người xa đất nước phiêu bạt trong cuộc mưu sống này sẽ được ủng hộ một cách nhiệt tình nhất dù nó là phim hay văn chương sẽ mãi mãi trong lòng công chúng./.

CTV Hùng Lý/VOV.VN Từ Berlin, Đức

Tin mới:
Nhóm người Việt bị nghi sát hại đồng hương ở Đài Loan(17/04/2024)
Giới trẻ Việt ở Saint Petersburg tiếp nối giá trị truyền thống ngày Giỗ Tổ(15/04/2024)
Người gốc Việt đầu tiên trúng cử hội đồng nhân dân cấp quận ở Ba Lan(13/04/2024)
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập(11/04/2024)
Người Việt tại Hungary hướng về biển đảo quê hương(10/04/2024)
Ấn tượng Lễ khai giảng giai đoạn 3 chương trình Tiếng Việt vui(08/04/2024)
Sinh viên Việt Nam tại Pháp ủng hộ đồng bào, chiến sĩ Hoàng Sa và Trường Sa(07/04/2024)
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt am Main tổ chức Hội thảo về dạy tiếng Việt cho trẻ em tại Đức(30/03/2024)
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan(30/03/2024)
Người Việt đội mưa hiến máu cứu nạn nhân vụ khủng bố nhà hát Nga(24/03/2024)
Các tin khác:
Chiều sếp, chàng trai Việt nhảy giữa nhóm người Đức hút 6 triệu lượt xem(22/03/2024)
Nghi phạm vụ xe tải chở 7 người Việt nhập cảnh trái phép vào Anh không nhận tội(19/03/2024)
Tôn vinh nữ doanh nhân Việt tại Pháp(19/03/2024)
Người Việt đánh nhau ở chợ châu Á Berlin: Ba người đàn ông bị thương nặng (18/03/2024)
Trung vệ Việt kiều Hungary bắn tín hiệu về Việt Nam(17/03/2024)
Sinh viên Việt Nam "lan tỏa hồn tre" Việt Nam tại thủ đô Moskva(17/03/2024)
Chuyện thi Quốc tịch tại Hungary(11/03/2024)
Tiếng cười bên lớp học tiếng Việt tại Hungary(11/03/2024)
Đại hội đại biểu Hội sinh viên Việt Nam tại Nga lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024-2026(11/03/2024)
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt(11/03/2024)
Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga lần thứ I diễn ra từ 9-10/3(06/03/2024)
Văn hóa Việt và môn võ Quán khí đạo tại Romania(03/03/2024)
Tuyến đường đưa người Việt nhập cư trái phép vào Anh(23/02/2024)
Anh phạt tù thanh niên đưa 6 người Việt nhập cảnh trên nóc xe tải(22/02/2024)
Nữ điều dưỡng viên lưu giữ "hồn Việt" ở trời Âu(21/02/2024)
Hương vị Tết xưa theo tôi suốt cuộc đời(21/02/2024)
Tết Giáp Thìn 2024 cùng du học sinh tại Grenoble(19/02/2024)
Đức: Hội người Việt tại thành phố Hamm khẳng định xây dựng cộng đồng vững mạnh(19/02/2024)
Sinh viên Việt Nam tích cực quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc(17/02/2024)
Tết sum vầy của người Việt ở Bồ Đào Nha(14/02/2024)
Người gốc Việt ra tranh cử ở Ba Lan(13/02/2024)
Người Hải Dương ở Nga giờ ra sao?(13/02/2024)
Cháy nhà tại Mỹ, gia đình người đàn ông gốc Việt chết thảm(11/02/2024)
Thư từ Đức: Ấm lòng Tết Việt xứ xa(09/02/2024)
4 người Việt bị cáo buộc trộm số quần áo trị giá 135.000 USD tại Nhật(07/02/2024)
Xuân Quê hương ấm áp tại Đại sứ quán Việt Nam ở Hy Lạp(07/02/2024)
Gói bánh chưng tại Hungary: Dịp ôn lại kỷ niệm tết Việt(07/02/2024)
Xuân Quê hương 2024 đoàn kết, gắn bó, hướng về đất nước tại Hà Lan(05/02/2024)
Ban liên lạc toàn cầu vì biển, đảo Việt Nam ​thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân(04/02/2024)
Hungary: Đoàn Đại sứ quán Việt Nam thăm, chúc Tết Hội Phật tử Việt Nam - chùa Tuệ Giác(04/02/2024)

Các tiện ích
  Từ Điển Séc-Việt
  Từ Điển Slovakia-Việt
  Từ Điển Balan-Việt
  Từ Điển Hungary-Việt
  Lịch âm
 

  © 2005-2024 Tran Hung Quan
  ® Ghi rõ nguồn "secviet.cz" khi các bạn lấy tin từ trang web này